26/10/2012 1:21 PM
Kể từ ngày lập đỉnh ở mức 48,4 triệu đồng/ lượng (ngày 5/10/2012), giá vàng trong nước đã giảm dần và hiện đang dừng ở mức 46,4 triệu đồng/ lượng. Vậy, nên chọn mua hay bán vàng lúc này? TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM chia sẻ quan điểm với DĐDN xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, quan sát thị trường vàng trong nước và quốc tế, ông có nhận xét gì về đà giảm của giá vàng trong nước vừa qua?

Có thể khẳng định đà giảm của giá vàng trong nước khoảng gần 3 tuần vừa qua, là do tác động giảm của giá vàng thế giới. Nếu lấy mốc ngày 5/10 để tính, thì đó là hôm giá vàng thế giới đạt đỉnh trong nhiều tháng, lên mốc 1.789,1 USD/ oz. Kể từ đó đến nay, giá vàng thế giới đã đi ngang và giảm giá khoảng gần 70 USD/ oz, và tính đến ngày 22.10 đang chốt mốc 1.724 USD/ oz. 70 USD tương đương hơn 1,4 triệu đồng, trong khi đó mức chênh lệch của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới vẫn chẳng suy suyển bao nhiêu và vẫn tiếp tục dao động trên dưới 3 triệu đồng/ lượng. Nói một cách khác, dù vàng trong nước giảm do giá vàng thế giới giảm, nhưng mức giảm này hoàn toàn không đến từ nhu cầu sụt giảm của thị trường, do các yếu tố nội tại của thị trường hay do tác động của các chính sách, quản lý.

- Ông có thể lý giải về sự chênh lệch này?

Vấn đề nằm ở chỗ là chúng ta đang có tình trạng độc quyền sản xuất, độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Trong khi đó năng lực sản xuất của SJC lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Rõ ràng là cũng không dễ dàng đáp ứng được khi trước nay trên toàn thị trường có cả chục thương hiệu, nhà máy sản xuất vàng, nay chỉ có mỗi một DN cáng đáng việc đó. Bên cạnh đó, nhu cầu vàng của thị trường trong giai đoạn này lại cũng tăng đột biến, và nhu cầu này tác động cực kỳ mạnh mẽ lên các biến động của thị trường. Chẳng hạn như tới đây, các NH sẽ phải tất toán các hoạt động trên tài khoản vàng và đến ngày 25/11 sẽ phải ngưng huy động vàng. Do đó, những NH nào trước đây đã huy động vàng, đặc biệt là các NH thuộc nhóm G5+1 sẽ phải mua lại vàng để trả lại vị thế vàng khi bắt buộc ngưng huy động.

Mặt khác, cũng để đóng lại vị thế vàng, các NH bắt buộc sẽ phải thu lại các khoản đã cho DN vay bằng vàng để kinh doanh trước đó. DN buộc phải đáo hạn, cũng sẽ phải mua vàng trên thị trường. Đây là lực cầu rất lớn và chủ đạo trong thị trường vàng ở giai đoạn hiện nay, chứ không phải lực cầu đến từ người dân xếp hàng mua vàng.

- Vậy theo ông, người dân có thể “đón” chính sách về quản lý vàng của cơ quan nhà nước như thế nào trong thời gian tới, để có các quyết định mua/ bán vàng?

Nếu tính cả sự trượt giá của đồng VN với mức trung bình 5%/ năm, thì mức sinh lời trung bình của vàng ở khoảng 20%/năm.

Cho đến ngày hôm nay, cơ quan quản lý vẫn chưa có động thái gì mới về các đề xuất gia hạn thời gian huy động vàng. Do đó, các NH sẽ phải tiếp tục thực hiện theo quy định. Thực tế thì quy định (Nghị định 24 /2012-NĐ-CP) này cũng đã từng được gia hạn nên không có lý do gì để được gia hạn thêm lần nữa . Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng có khả năng cơ quan quản lý sẽ có điều chỉnh chính sách, hoặc thay đổi chính sách, khi chính sách ban hành ra thị trường bước đầu đã có những tín hiệu phản hồi và qua đó có thể đo lường được tính hiệu quả của chính sách. Trong trường hợp này, tôi cho rằng VN có thể học bài học quản lý vàng từ Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là 2 quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới. Đơn cử mỗi năm, Ấn Độ có thể nhập về trung bình 700 tấn vàng. Tức là lượng vàng trong dân của các nước này là khổng lồ và nền kinh tế của họ đã từng ở trong tình trạng “vàng hóa” nặng nề. Vì vậy, quản lý thị trường vàng đối với các nhà hữu trách ở 2 quốc gia trên đã trở thành “cuộc chiến với vàng”, chứ không đơn thuần là quản lý thị trường vàng ngay từ năm 1996. Các chính sách, đề án quản lý thị trường của họ theo đó cũng theo đổi, chuyển biến rất nhanh với các phản ứng của thị trường. VN cũng có thể áp dụng tương tự: Khi có đề án mà thấy không hiệu quả thì cần thay đổi ngay để giảm thiểu thiệt hại, mang lại cục diện bình thường cho thị trường. Sửa càng nhanh càng tốt, nếu chậm trễ thì thiệt hại sẽ không chỉ ở phương diện kinh tế mà còn ở phương diện xã hội. Nói một cách cụ thể hơn, NHNN có thể gia hạn thời gian huy động vàng cho các NHTM, xa hơn là thay đổi các chính sách quản lý thị trường. Và như vậy thì người dân cũng phải có những cách phòng ngừa rủi ro trước sự khó lường của chính sách.

- Tiến sĩ có thể gợi ý rõ hơn cho người dân đang nắm giữ vàng?

Với những ai mua vàng lướt sóng ngắn hạn, chẳng hạn mua vàng 44 triệu đồng/ lượng, chờ nhích lên một tý mang bán thì tôi không có ý kiến. Còn với những người xét vàng trong vị thế dài hạn, tôi có một thống kê nhỏ: Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm, vàng tăng trung bình 15%. Nếu tính cả sự trượt giá của đồng VN với mức trung bình 5%/ năm, thì mức sinh lời trung bình của vàng ở khoảng 20%/ năm. Như vậy, cớ gì người dân không nắm giữ vàng? Chỉ có điều sự chênh lệch của giá vàng ở 2 thị trường là vấn đề cần xem xét, vì sẽ có những người được lợi và những người thua lỗ. Do đó tôi không khuyên bất cứ ai bán vàng, nhất là trong một bối cảnh bất ổn cả về kinh tế, chính trị, chính sách trên toàn cầu như hiện nay. Mua vàng và xét trên vị thế dài hạn 1 năm theo tôi là biện pháp biến vàng thành nơi “trú ẩn” an toàn thực sự cho người nắm giữ.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Theo Lê Mỹ (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.