Các số liệu của HSBC
cho thấy, lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam phát hành bằng đồng USD
đang ở mức 10% trong bối cảnh đà tăng chỉ số giá tiêu dùng chậm lại cùng
thâm hụt thương mại được thu hẹp.
Theo sau Việt Nam là trái phiếu Ấn Độ và Trung
Quốc với mức lợi nhuận đem lại tương ứng 7,1% và 4,9%. Công ty quản lý
tài sản Aberdeen và tập đoàn đầu tư Union Investment - hãng quản lý tới
526 tỷ USD tài sản ủy thác- cho biết họ đã tăng
mạnh số lượng nắm giữ đối với trái phiếu Việt Nam trong năm qua.
Nhu cầu đối với trái phiếu Việt Nam trong năm
nay vẫn mạnh bởi một mức lợi tức cao, ít bị ảnh hưởng mức tăng trong lợi
suất trái phiếu Mỹ khi nền kinh tế Mỹ phục hồi.
Sergey Dergachev, giám đốc quản lý đầu tư tại
Union Investment nhận định: “Việt Nam là thị trường đầu cơ tốt trong
bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ có khả năng tăng. Thị trường trái phiếu Việt
Nam, với tư cách là một loại tài sản lợi tức cao, ít bị ảnh hưởng bởi biến động
lợi suất trái phiếu Mỹ hơn hẳn so với Philippines và Indonesia”.
Lợi suất trái phiếu bằng USD đáo hạn tháng
1/2020 của Việt Nam đã tăng 3,26%, mức tăng mạnh hơn trái phiếu kỳ hạn tương tự
của Mỹ, trong khi mức tăng của trái phiếu tương tự của Indonesia và Philipines chỉ
tăng tương ứng 1,46% và 1,7%.
Trong năm nay,
lợi suất trái phiếu 10 năm của Việt Nam đã tăng 2,26% sau khi trượt 1,41% trong
năm 2011.
Thâm hụt thương mại của Việt Nam có xu hướng
thu hẹp do hạn chế tín dụng đang làm giảm nhu cầu hàng nhập khẩu. Số liệu công
bố ngày 28/3 cho thấy nhập siêu tháng 3/2012 giảm còn 150 triệu USD, từ 279 triệu
USD trong tháng trước đó. Ngoài ra, lạm phát giảm cũng hạ nhiệt nhu cầu trong nước đối
với ngoại tệ, làm giảm sức ép mất giá tiền đồng, tạo điều kiện cho ngân hàng nhà
nước tăng dự trữ ngoại tệ.







