Về việc thoái vốn trong lĩnh vực BĐS và xây dựng, nhìn về mặt tích cực các chuyên gia cho rằng đây có thể là cơ hội cho các DN hoạt động đúng lĩnh vực chuyên môn chứng tỏ năng lực và khẳng định uy tín thương hiệu đối với thị trường và xã hội.

Các ông lớn rút chân

Theo Nghị quyết số 26/NQ-CP do Chính phủ ban hành ngày 9/7 chỉ đạo: Ngay trong quý IV/2012, các tập đoàn và TCty nhà nước khẩn trương lên kế hoạch thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Việc thoái vốn cần có phương án, lộ trình cụ thể, gắn với quá trình tái cơ cấu DN đối với từng tập đoàn, TCty nhà nước, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro, như: BĐS, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.

Thực hiện sự chỉ đạo trên, các ông lớn đã có kế hoạch tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thoái vốn theo lộ trình bắt đầu từ quý IV/2012 và mục tiêu đến năm 2015 phải hoàn thành. Riêng về việc thoái vốn trong lĩnh vực BĐS và xây dựng, nhìn về mặt tích cực các chuyên gia cho rằng đây có thể là cơ hội cho các DN hoạt động đúng lĩnh vực chuyên môn chứng tỏ năng lực và khẳng định uy tín thương hiệu đối với thị trường và xã hội.

Thời điểm hiện tại, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã hoàn thành thoái vốn được gần 60 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành lĩnh vực BĐS - xây dựng tại các Cty như: Cty CP Cảng Hà Tĩnh, Cty CP BĐS Hà Tây, Cty CP Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành… Tập đoàn này sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi Cty CP Phát triển đường cao tốc BECD (10,5 tỷ) trong năm nay, năm sau là Cty CP Đầu tư Phát triển Khu kinh tế Hải Hà (47,8 tỷ đồng)… Theo ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng giám đốc Vinacomin, kế hoạch của Tập đoàn đến năm 2014 sẽ thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, BĐS xây dựng với tổng số tiền 618 tỷ đồng để tập trung đầu tư cho 5 lĩnh vực chính gồm than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ và công nghiệp và chế tạo thiết bị cơ khí ngành mỏ.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải hoàn chỉnh đề án tái cơ cấu Tập đoàn, trong đó cần xây dựng lộ trình thoái vốn đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn, đặc biệt là các lĩnh vực chứng khoán, xây dựng dân dụng, BĐS, khách sạn theo yêu cầu của Thủ tướng. Trong số 6 TCty do PVN nắm giữ 100% vốn, ít nhiều có tới 4 TCty trực tiếp hay gián tiếp dính dáng đến BĐS. Tương tự, với 11 TCty, Cty mà PVN nắm quyền chi phối, có TCty lập riêng Cty BĐS, sàn BĐS, có TCty tham gia góp vốn vào vài ba Cty BĐS con khác. Số Cty con, cháu của PVN tham gia góp vốn thành lập Cty BĐS hoặc có Cty chuyên doanh BĐS là hơn 20 Cty. Trên thị trường hiện nay, nhiều dự án đang bị người mua rút vốn như dự án Nam Đàn Plaza, dự án Diamond Tower đến dự án Hanoi Time Tower... đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến tiếng tăm của PVN. Hiện, PVN phải rút chân khỏi dự án Tòa tháp dầu khí, chuyển hoàn toàn cho TCty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam là chủ công trình.

Tương tự, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng sẽ thực hiện việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn đã đầu tư khoảng 1.102 tỷ đồng trong các lĩnh vực BĐS, chứng khoán từ nay đến năm 2015. Ngoài ra, khối DN ngoài quốc doanh khác như Tập đoàn Hoa Sen thoái vốn khỏi 3 dự án hay ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) tuyên bố khả năng tập đoàn này sẽ rút khỏi lĩnh vực BĐS sau 3 năm nữa…

Cơ hội trong khủng hoảng

Về các DN hoạt động đúng lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh BĐS, mặc dù trong giai đoạn khó khăn - chưa từng bao giờ khó như lúc này lại càng phải cơ cấu mạnh. Cơ cấu lại đầu tư, không chỉ rút vốn khỏi lĩnh vực ngoài ngành mà rút vốn khỏi các dự án trong ngành nhưng không hiệu quả. Chính sách vĩ mô từ phía Chính phủ, động thái mới nhất là việc chấm dứt thí điểm mô hình hai tập đoàn VNIC và HUD, TCty trực thuộc Bộ Xây dựng sẽ được lập lại. Cùng với việc “cởi trói” bởi bộ máy cồng kềnh, chức năng và trách nhiệm quản lý chồng chéo, các TCty này có cơ hội sắp xếp, thanh lọc và tự chủ. Các tập đoàn khác đã bỏ lại một phần lớn công việc kinh doanh lĩnh vực ngoài ngành của họ, cũng có nghĩa là DN ngành Xây dựng - BĐS sẽ có nhiều hơn cơ hội làm phần việc của mình. Việc tận dụng và nắm bắt để tạo công ăn việc làm, duy trì hoạt động, ổn định sản xuất vượt qua khủng hoảng không phải là việc dễ mà DN nào cũng làm được, nhưng quy luật vận động của thị trường có cơ hội thì tất yếu tỷ lệ thành công xác suất cũng cao lên.

Ông Võ Đắc Khôi - cố vấn cấp cao của Hòa Bình Corporation chia sẻ: “Thời gian qua khó khăn lắm, có khi chỉ nhận thầu về để có việc làm nuôi quân chứ không tính đến lãi. Tuy nhiên, lúc này chúng tôi vẫn hoàn thành đúng tiến độ các công trình và khởi công được hàng chục dự án mới trong năm 2012. Có thể nói, các DN ngành Xây dựng - BĐS vẫn còn có nhiều cơ hội trong khủng hoảng”.

Theo Ninh Toàn (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.