Thị trường sẽ bùng phát cuộc đua lãi suất nhưng bù lại hoạt động kinh doanh của các ngân hàng sẽ minh bạch. Lãi suất không thể tăng mãi, đến một thời điểm nào đó sẽ phải đi xuống.

Ngân hàng (NH) tăng lãi suất đầu vào lên 18% -19%/năm khiến lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh cán mức 21% - 23%/năm làm nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa. Thị trường tiền tệ hiện đang thiếu minh bạch, đòi hỏi chính sách lãi suất phải phù hợp với tình hình mới.

Trả lãi suất về thị trường

Lãi suất tiền gửi lẫn cho vay cần phải tuân thủ quy luật cung - cầu. Ảnh: HỒNG THÚY

Giành giật vốn là chính

Theo số liệu của NH Nhà nước, tính đến cuối tháng 4-2011, tổng số dư tiền gửi của toàn hệ thống NH chỉ tăng 0,46% so với cuối năm 2010. Còn dư nợ cho vay chỉ tăng 5,01%. So với cuối năm 2010, tổng phương tiện tăng 0,98%, cung tiền tăng 4,12%.

Lãnh đạo của nhiều NH cho biết do cung tiền tăng quá ít nên lượng tiền không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh dù tăng trưởng kinh tế từ đầu năm 2011 đến nay chỉ đạt mức 5,43%. Mặt khác, dư nợ cho vay toàn hệ thống NH tăng trên 5% nhưng huy động vốn tăng không đáng kể là bất thường. Thực ra, đây là thủ thuật tạo tiền của hệ thống NH, trong đó có hiện tượng đảo nợ, phát sinh tiền lãi rồi nhập vào dư nợ cũ làm dư nợ cho vay mới vẫn tăng. Vì thế, lãi suất đầu vào tăng lên không phát xuất từ nhu cầu vốn của nền kinh tế mà thực chất là hiện tượng giành giật vốn giữa các NH nhằm chống chọi với tình trạng mất cân đối nguồn vốn (thanh khoản) tạm thời, hệ quả là người vay phải cắn răng chịu đựng lãi suất cao.

Tuân thủ quy luật cung cầu

Theo tổng giám đốc của một NH có hội sở ở TPHCM, lãi suất cao không chỉ doanh nghiệp không dám vay mà ngay cả NH cũng không dám cho vay vì e ngại nợ xấu gia tăng. NH Nhà nước ngăn chặn đầu này (lãi suất huy động), nó lại “phình” ra ở chỗ khác làm méo mó thị trường. Do đó, NH Nhà nước cần điều hành cung tiền sao cho hợp lý để giải quyết tình trạng “lách luật” huy động vốn. Chẳng hạn, NH Nhà nước ấn định tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, bảo đảm cung tiền 15%-16%; thế nhưng trong 4 tháng đầu năm 2011, cung tiền chỉ đạt một tỉ lệ rất nhỏ so với tốc độ tăng dư nợ tín dụng, góp phần làm tăng lãi suất đầu vào. “Theo tôi, chính sách lãi suất phải được tự do hóa, tức lãi suất tiền gửi lẫn cho vay cần phải tuân thủ quy luật cung - cầu, do thị trường tự quyết định ” – tổng giám đốc của NH này nói.

Bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội NH, cho biết: Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 quy định NH thương mại được phép ấn định lãi suất huy động của mình và phải niêm yết công khai, được thỏa thuận lãi suất cho vay với khách hàng. Trong trường hợp thị trường có diễn biến bất thường, NH Nhà nước có biện pháp can thiệp. Phó tổng giám đốc của một NH nhỏ khác cũng cho rằng nếu trần lãi suất đầu vào được gỡ bỏ, chắc chắn thị trường sẽ bùng phát cuộc đua lãi suất bởi nhiều NH hiện đang rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản. Nhưng bù lại, hoạt động kinh doanh của các NH sẽ minh bạch hơn. Các NH sẽ tập trung nâng cấp cách thức quản lý để giảm chi phí kinh doanh, từ đó giảm dần lãi suất đầu ra mới có khách hàng vay tiền.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng NH Nhà nước nên dỡ bỏ trần lãi suất đầu vào. Tuy nhiên, NH Nhà nước phải điều hành chính sách lãi suất sao cho phù hợp với diễn biến của thị trường. Lãnh đạo của nhiều NH kiến nghị NH Nhà nước nên bơm tiền cho các NH thiếu hụt về thanh khoản tạm thời, rồi áp dụng các công cụ khác để thu tiền về sẽ ảnh hưởng không nhiều đến lạm phát…; đồng thời áp dụng một số hạn chế điều kiện kinh doanh, quy mô hoạt động… đối với NH được NH Nhà nước bơm tiền hướng tới xóa bỏ trần lãi suất đầu vào.

Kiến nghị hạ lãi suất tiền gửi USD còn 0%/năm

Ngày 23-5, nằm trong những đề xuất các biện pháp chống đô la hóa, ổn định vững chắc thị trường tiền tệ, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có văn bản kiến nghị NH Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức kinh tế từ 1%/năm xuống mức 0%/năm; hạ lãi suất tiền gửi của khu vực dân cư từ mức 3%/năm xuống còn 1%/năm và sẽ tiếp tục hạ xuống 0%/năm trong thời gian tiếp theo.

Theo VAFI, biện pháp này không những không có tác động tiêu cực đến chính sách tiền tệ mà sẽ có lợi cho nền kinh tế và hệ thống doanh nghiệp, làm tiền đề cho việc hạ lãi suất cho vay.
S.Nhung
Lãi suất đầu vào nên thấp hơn lạm phát

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng: Hiện nay, một số quốc gia ở châu Á điều hành lãi suất đầu vào thấp hơn lạm phát. Ví dụ, Thái Lan lạm phát 4,04% nhưng lãi suất tiết kiệm chỉ 2,1%; Singapore lạm phát 5%, lãi suất tiền gửi 0,35%; Trung Quốc lãi suất tiền gửi tối đa 3,25% dù lạm phát là 5,3%...
Còn lãi suất cho vay cao hơn lạm phát. Vì trong các nguyên nhân gây ra lạm phát có những yếu tố bất thường như đầu cơ, tình hình căng thẳng chính trị tại Bắc Phi và Trung Đông. Trong khi đó, lãi suất đầu vào ở Việt Nam được điều hành cao hơn lạm phát sẽ làm cho doanh nghiệp “nghẹt thở”.
Theo Thy Thơ – Thái Phương ( Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0