12/11/2015 10:16 PM
Dù có những tín hiệu hồi phục tích cực trong vài năm trở lại đây nhưng thị trường bất động sản của TPHCM vẫn còn nhiều nỗi lo về sự phát triển tự phát, thiếu định hướng, thông tin thị trường thiếu minh bạch và đang manh nha hiện tượng lệch pha cung cầu.

Thị trường bất động sản TPHCM đang manh nha hiện tượng lệc h pha cung cầu. Ảnh minh họa: Mạnh Tùng

Đây là những lo ngại của nhiều đại biểu tại hội thảo “Thực trạng, tiềm năng, giải pháp và định hướng phát triển thị trường bất động sản TPHCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 và tầm nhìn đến 2030” do Sở Xây dựng TPHCM tổ chức hôm nay, 12-11.

Hội thảo nhằm xây dựng đề án phát triển thị trường bất động sản TPHCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 và tầm nhìn đến 2030 được UBND TPHCM giao Sở Xây dựng TPHCM thực hiện.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM và là người làm chủ nhiệm đề án, cho rằng thị trường bất động sản TPHCM đang có dấu hiệu dư thừa nguồn cung nhà ở cao cấp, thiếu nguồn cung nhà ở giá trung bình, nhà ở xã hội. Trong khi đó, nhà ở giá bán trung bình, nhà ở xã hội lại là hàng hóa có nhu cầu lớn nhất trong cơ cấu bất động sản tại TPHCM hiện nay, phục vụ nhu cầu cho phần đông dân cư.

Cũng theo ông Tuấn, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường bất động sản hiện nay là hệ thống pháp lý cho thị trường này đang thiếu tính đồng bộ, đôi khi chồng chéo.

Tham luận tại hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Vinh, Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng nhiều văn bản pháp lý được ban hành từ nhiều cơ quan khác nhau song phân cấp quản lý chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp phải “lòng vòng” để xin duyệt hồ sơ làm dự án, thực hiện giao dịch bất động sản.

Mặt khác, theo ông Vinh, hệ thống thông tin thị trường bất động sản hiện nay rất hạn chế. “Việc quản lý và xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản rất chậm và cho đến hiện tại, đây vẫn còn là điều chúng ta kỳ vọng,” ông Vinh nhận định.

TS Phạm Thái Sơn, Đại học Việt – Đức, Phó chủ nhiệm đề án trên, lại nhận định rằng công tác quản lý và theo dõi phát triển nhà ở tại TPHCM mới đang dừng ở chỉ số phát triển theo diện tích sàn xây dựng.

“Trong khi đó, những chỉ tiêu quan trọng khác như khả năng tiếp cận tới nhà ở của các hộ gia đình, chất lượng nhà ở hay giá đất chưa được theo dõi tổng hợp, dẫn đến việc đánh giá phát triển nhà ở tại thành phố không toàn diện,” ông Sơn nhận xét.

Ông Sơn nói thêm rằng xét về các dự án phát triển nhà ở, toàn thành phố hiện có 1.219 dự án, gồm dự án xây dựng mới và các dự án cải tạo nâng cấp nhà ở. Có khoảng 40% trong số này đã được hoàn thành, 33% đang được thực hiện thủ tục đầu tư, 19% đang thị công và 8% dự án đang ngưng thi công.

Tuy nhiên, 40% dự án đã hoàn thành có quy mô nhỏ hơn, chỉ đóng góp 25% tổng số căn hộ và 16% diện tích sàn được dự kiến được phát triển từ các dự án nhà ở, ông Sơn cho hay.

41% dự án bất động sản TPHCM đang “chết lâm sàng”

Tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh - thị trường bất động sản lớn nhất nước - hiện có 1.219 dự án bất động sản, nhưng có đến 405 dự án chưa khởi công, trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công.

Con số này trích từ báo cáo của Hiệp hội bất động sản TPHCM vừa công bố. Theo đơn vị này, nếu tính các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công thì số lượng lên đến 502 dự án, chiếm 41,18%.

“Đây chính là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản lâu nay”, theo báo cáo trên. Điều quan trọng nhất còn hạn chế là chưa tạo được cơ chế để xử lý các dự án bất động sản dở dang.

Nhiều dự án bất động sản không thể triển khai được do vướng đền bù giải tỏa, nhiều dự án đã giải phóng được mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98% đất dự án, nhưng phần còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được, theo báo cáo của hiệp hội.

Hiệp hội bất động sản TPHCM đề nghị thành phố nhanh chóng có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong trường hợp đã bồi thường giải phóng mặt bằng được từ trên 80% diện tích để tạo điều kiện triển khai thực hiện dự án và để xử lý nhiều dự án đang đền bù dở dang trong số 502 dự án đang ngừng triển khai.

Bên cạnh đó, hiện còn nhiều hồ sơ dự án bất động sản đề nghị được tính toán để doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất, nhưng chưa được cơ quan nhà nước giải quyết kịp thời làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo nhận định của đơn vị này, thị trường bất động sản mặc dù đang trên đà phục hồi nhưng chưa thật sự vững chắc, phát triển chưa đồng bộ.

Đức Nam

Mạnh Tùng (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.