Theo các công ty tư vấn bất động sản, các chủ đầu tư đang chạy đua đưa vào khai thác các dự án mới cũng như triển khai thêm nhiều dự án đã "đóng băng" từ lâu.
Điển hình là chủ đầu tư dự án toà tháp 41 tầng Saigon One - Công ty cổ phần địa ốc Saigon M&C vừa chỉ định CB Richard Ellis Việt Nam làm đại lý tiếp thị và cho thuê độc quyền khu trung tâm thương mại 6 tầng với tổng diện tích 13.000 m2 của dự án. Công trình nằm ngay góc Hàm Nghi –Tôn Đức Thắng, quận 1 sẽ đưa vào khai thác trong năm nay.
Dự án Vincom Center A (Eden), nằm ngay khu tứ giác Đồng Khởi- Nguyễn Huệ- Lê Lợi- Lê Thánh Tôn có quy mô 6 tầng ngầm và 9 tầng nổi, khi đưa vào khai thác trong tháng 10 tới sẽ góp thêm khoảng 38.000 m2 diện tích bán lẻ. Cách đó không xa là tòa nhà Quảng trường Thời Đại (còn gọi là Times Square) đang được hoàn thành trên đường Nguyễn Huệ (quận 1) cũng sẽ đóng góp một phần diện tích thương mại ở các khối đế…
Đi xa hơn ra phía bắc thành phố là dự án Pico Saigon Plaza trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, có 5 tầng kinh doanh thương mại và dịch vụ với tổng diện tích 32.000 m2. Hướng về phía nam thì có khu thương mại Sunrise City gồm 5 tầng lầu với hơn 70.000 m2 sàn… Đó là chưa kể những dự án cao ốc căn hộ sắp hoàn thành đưa vào khai thác trong đó cũng có những khối đế thương mại lớn.
Theo Công ty tư vấn bất động Colliers International Việt Nam, với nguồn cung diện tích bán lẻ lớn, lạm phát cao và chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ. Do đó công suất thuê và giá chào thuê trung bình sẽ giảm trong năm nay và những năm tới.
Đồng tình quan điểm này, Công ty tư vấn bất động sản Knight Frank cũng cho rằng hàng loạt dự án khác như SC VivoCity (quận 7), Lega Fashion House (quận 10), Cộng Hòa Garden (quận Tân Bình), Bến Thành Towers (quận 1)… vừa được khởi công xây dựng sẽ hoàn thành trong 2-3 năm tới, sẽ làm gia tăng đáng kể nguồn cung bán lẻ trong tương lai. Điều này chắc chắn sẽ gây áp lực lên giá thuê của chủ đầu tư.
Chiều hướng giảm giá
Giới kinh doanh ngành hàng thời trang trong nước cho rằng hai năm gần đây họ có thể vào mở kinh doanh ở những trung tâm thời trang cao cấp thay vì lâu nay chủ cho thuê chỉ nhắm đến các thương hiệu thời trang quốc tế…
Nguyên nhân theo giới kinh doanh là nguồn cung mặt bằng ngày càng tăng, trong khi việc kinh doanh ở các trung tâm thương mại không phải lúc nào cũng thuận lợi do tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Mới đây nhất là siêu thị FiviMart đã quyết định dừng thuê mặt bằng tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7 khi hết thời hạn thuê. Ngay cả các toà cao ốc có mặt bằng thương mại khối đế giờ đây cũng phải thu hẹp bớt phần diện tích cho thuê bán lẻ vì kinh doanh khó khăn.
Các công ty tư vấn bất động sản cho rằng với tình hình lạm phát còn tăng cao, kinh tế khó khăn, thị trường ế ẩm thì giá cho thuê mặt bằng bán lẻ ở các trung tâm thương mại trong thời gian qua cũng phải điều chỉnh theo chiều hướng giảm.
Theo thống kê của Colliers International Việt Nam cho thấy giá thuê trung bình của trung tâm thương mại, trung tâm bách hoá và khối đế bán lẻ trong quí 1 vừa rồi đạt khoảng 70,6 đô la Mỹ/m2/tháng (không bao gồm phí dịch vụ và thuế VAT), giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Tình trạng này cũng đang diễn ra đối với toà tháp Bitexco 68 tầng – công trình được xem là điểm nhấn của thành phố có lợi thế thu hút các nhà bán lẻ thuê kinh doanh. Thế nhưng khoảng 18 tháng sau khánh thành, gần một nửa diện tích 6 tầng đế dành cho bán lẻ hiện vẫn còn trống, dù thời gian qua, chủ toà nhà đã quyết định giảm giá thuê từ 78 - 120 đô la Mỹ/m2/tháng trước đây xuống còn 64 -110 đô la Mỹ/m2/tháng.
Vẫn còn tiềm năng
Tuy TPHCM có nguồn cung mặt bằng bán lẻ tăng mạnh trong vài năm tới nhưng các đơn vị tư vấn bất động sản vẫn lạc quan với động thái đua xây trung tâm thương mại, siêu thị này.
Đại diện các công ty tư vấn bất động sản cho rằng, trong 3 năm nữa nguồn cung tăng mạnh nhưng rất khó đoán thị trường sẽ đi theo chiều hướng nào. Bởi việc kinh doanh thường phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế, lượng cung cầu của từng thời điểm, thu nhập của người tiêu dùng...
Các doanh nghiệp bán lẻ cũng như giới phân tích cho rằng nguồn cung mặt bằng thương mại của thành phố vẫn chưa nhiều so với các nước trong khu vực. Phần lớn các doanh nghiệp bán lẻ cũng như các công ty tư vấn đầu tư đánh giá rằng thị trường bán lẻ hiện chỉ khó khăn tức thời do ảnh hưởng của nền kinh tế.
Theo thống kê của Công ty Colliers International Việt Nam, tính đến quí 1-2012, tổng nguồn cung diện tích bán lẻ tại TPHCM đạt được khoảng 646.000 mét vuông, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung này đến chủ yếu từ trung tâm thương mại, trung tâm bách hoá và siêu thị, chiếm khoảng 87% tổng nguồn cung. |
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường 2012 do công ty tư vấn Knight Frank thực hiện, Việt Nam thuộc một trong năm thị trường bán lẻ mang lại lợi nhuận cao nhất thế giới. Colliers International Việt Nam cũng đánh giá cao về triển vọng thị trường bán lẻ TPHCM với lợi thế về dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa cao, thu nhập khả dụng tăng nhanh.
Điều này lý giải vì sao mà nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam như Parkson, Lotte, Big C… cho biết vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng kinh doanh. Trong khi đó, nhiều nhà bán lẻ nước ngoài khác cũng đang thăm dò muốn tham gia thị trường. Ba nhà bán lẻ lớn nước ngoài tuyên bố tham gia vào thị trường sắp tới là Takashimaya, Aeon (Nhật) và Temasek của Singapore.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho rằng thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam chỉ chiếm 20% trong tổng thị trường. Đánh giá về cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, ông Nhân cho rằng dân số trẻ, mô hình bán lẻ hiện đại chưa có nhiều, nên được xem là cơ hội cho các nhà bán lẻ.
Đại diện Công ty Savills cho rằng so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia thì nguồn cung diện tích trung tâm thương mại của Việt Nam còn rất thấp.
Trong khi đó Việt Nam luôn được đánh giá là thị trường bán lẻ hấp dẫn và các thương hiệu thời trang quốc tế sẽ tiếp tục vào Việt Nam trong thời gian tới khi nhiều dự án trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm TPHCM đang xây dựng sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.