27/02/2017 9:20 AM
Cả hai nhà giữ xe cao tầng đầu tiên của TPHCM sau khi đưa vào sử dụng đều rơi vào cảnh ế ẩm, thu không đủ bù chi. Nhiều chủ đầu tư các bãi đỗ xe ngầm “bỏ của chạy lấy người” khiến dự án lâm vào tình trạng “chết lâm sàng”, trong khi nhu cầu rất lớn.
Tầng hầm chứa ô tô của một khách sạn trên đường Nguyễn Huệ trống rỗng. Ảnh: H.T.
Vắng như chùa Bà Đanh
Nằm ở mặt tiền đường Chế Lan Viên (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú), bãi đỗ xe nổi quy mô 5 tầng của Cty TNHH Xây dựng - Dịch vụ và Thương mại Tiên Tiến (Cty Tiên Tiến) được đưa vào khai thác từ giữa năm 2013.
Đây là nhà giữ xe cao tầng đầu tiên tại TPHCM với sức chứa khoảng 1.000 ô tô và 2.000 xe máy, có tổng kinh phí đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Theo đại diện Cty Tiên Tiến, công trình được đầu tư trang thiết bị và công nghệ hiện đại. Riêng hạng mục phòng cháy, chữa cháy, camera và thiết bị an ninh chiếm hơn 10 tỷ đồng.
Sau gần hai năm hoạt động, nhà giữ xe chỉ đạt khoảng 30% công suất thiết kế, chỉ hai tầng có xe với khoảng 300 ô tô, doanh thu 500 triệu đồng/tháng. Nguồn thu 500 triệu đồng/tháng chỉ đủ để trang trải chi phí hoạt động và lương nhân viên. Hằng tháng, Cty phải trích từ nguồn khác để trả lãi ngân hàng.
Chịu chung số phận là nhà giữ xe 10 tầng cung cấp gần 1.000 chỗ đậu ô tô của Cty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) ở 326 Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang, quận 1). Công trình rộng hơn 32.000 m2 gồm 9 tầng để xe, một tầng trệt dùng làm khu bảo trì bảo dưỡng và rửa xe với tổng kinh phí đầu tư 570 tỷ đồng. Đại diện Cty Samco cho biết, bãi xe mới đạt khoảng 10% công suất thiết kế.
Vì sao các bãi xe lâm vào cảnh chợ chiều trong khi TPHCM đang rất thiếu chỗ đỗ xe ô tô? Đại diện hai doanh nghiệp nói trên cho biết, các bãi xe được đầu tư bài bản không cạnh tranh nổi với bãi xe tự phát đang tràn lan trên lòng đường, hè phố và các dự án cao ốc bỏ hoang tại trung tâm thành phố.
Đơn cử, khi nhà giữ xe Tân Tiến vừa hoàn thành thì cũng là lúc gần 40 bãi giữ xe ô tô tự phát mọc lên xung quanh. Hầu hết các bãi xe tự phát tận dụng bãi đất trống của các dự án chưa xây dựng hoặc các khoảng đất dưới chân các cây cầu lớn. Do hầu hết không trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy, thiết bị an ninh và không mua bảo hiểm nên giá giữ xe của các bãi tự phát rẻ hơn.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm, nguyên nhân dẫn đến việc hai nhà giữ xe cao tầng ế ẩm là vị trí chưa thuận lợi, trong khi người dân chưa có thói quen đi bộ đến bãi xe. Muốn giải quyết được bài toán này cần phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, vừa quy hoạch lại các bãi xe, vừa quản lý chặt tình trạng dừng đỗ xe trái phép, đồng thời có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (như tiền thuê đất, thuế…) để có mức phí hợp lý.
“Trên đường xe vẫn đỗ tràn lan, trong khi nhiều tầng hầm của các cao ốc tại khu vực trung tâm còn trống chỗ. Việc TPHCM còn quá nhiều bãi xe tự phát, tình trạng đỗ xe trái phép trên lòng, lề đường cũng như nhiều tuyến đường cho phép đỗ ô tô với mức phí còn thấp dẫn đến nhiều chủ phương tiện đỗ xe trên đường, không chịu đưa xe vào bãi”, ông Lâm nói.
Bỏ của chạy lấy người
Mới đây, làm việc với UBND TPHCM, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và công nghiệp Việt Nam (IDICO) đã xin rút khỏi dự án bãi đậu xe ngầm tại sân vận động công viên Tao Đàn vì phương án đầu tư khó thu hồi vốn. Dự án này từ năm 2010, từng được UBND TPHCM thông qua với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, có tổng diện tích sàn xây dựng lên tới 70.211 m2, trong đó có 5 hầm để xe với 1.050 chỗ đậu ô tô, 10 chỗ đậu xe buýt, 2.500 chỗ đậu xe máy.
Tương tự, Cty TNHH tập đoàn Đông Dương (Indochina Group) cũng xin rút lui khỏi dự án bãi đỗ xe ngầm tại sân vận động Hoa Lư với vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng. Theo đại diện Cty, lý do rút lui là vì vốn đầu tư quá lớn nhưng khả năng thu hồi vốn rất thấp. Hai dự án này vừa được TPHCM chuyển cho Tập đoàn Vingroup khảo sát lập dự án.
Khả quan nhất là bãi xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám, cũng đang “đắp chiếu” vì vướng thủ tục. Được động thổ vào tháng 8/2010, dự án đang vướng quy định về phòng cháy chữa cháy và nhiều thủ tục khác trong quá trình thi công. Bãi đậu xe này có quy mô 5 tầng ngầm với tổng diện tích hơn 72.000m2, chứa khoảng 2.000 xe máy, 1.250 xe ô tô, 28 xe buýt và xe tải. Ngoài ra còn có khu thương mại 3 tầng.
Theo đại diện Cty Cổ phần đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS), chủ đầu tư dự án bãi đỗ xe ngầm công viên Lê Văn Tám, do dự án kéo dài nên vốn đầu tư ban đầu cho dự án khoảng 90 triệu USD hiện đã đội lên hơn 200 triệu USD. Có thời điểm nhà đầu tư phải trả tiền cho nhà thầu 40 nghìn USD/tháng để họ ngồi chơi chờ thủ tục. Chính thủ tục rườm rà đã làm mất nhiều thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp.
Chủ đầu tư này cảnh báo, nếu TPHCM không sớm giải quyết vướng mắc trên sẽ rút lui bởi dự án được lập cách đây đã lâu, đến nay giá cả vật tư, nhân công tăng vọt khiến tổng mức đầu tư tăng cao. Trong khi đó, khả năng thu hồi vốn từ dự án thấp, do các cơ quan chức năng quy định phí đậu xe, nhà đầu tư không có quyền quyết định mức phí này.
Dự án bãi đậu xe ngầm tại khu vực sân khấu Trống Đồng của Indochina Group cũng chưa xác định được thời điểm xây dựng vì vẫn đang trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế cơ sở và các vấn đề liên quan.

8 bãi đỗ xe ngầm được quy hoạch tại TPHCM, gồm: Công trường Lam Sơn, sân vận động Hoa Lư, công viên Lê Văn Tám, công viên Chi Lăng, công viên Bách Tùng Diệp, sân bóng đá Tao Đàn, đại lộ Nguyễn Huệ và bãi đậu số 116 đường Nguyễn Du.

Mới đây, UBND TPHCM cũng đã ngưng xem xét đầu tư xây dựng đối với 4 bãi đậu xe ngầm, gồm: Công trường Lam Sơn, công viên Bách Tùng Diệp, công viên 23/9 và đường Nguyễn Huệ do không còn phù hợp quy hoạch.

Huy Thịnh (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.