Liên quan đến việc UBND TP.HCM vừa chấp thuận phương án kéo dài tuyến metro số 1 từ ga Suối Tiên đến TP Biên Hòa (Đồng Nai) và thị xã Dĩ An (Bình Dương) với tổng mức đầu tư ước tính hơn 21.000 tỷ đồng, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON) cho rằng, động thái này chưa có gì cụ thể và chưa nói lên điều gì.
"Trong các luật đầu tư của Việt Nam, không có khái niệm đề xuất phương án và chấp thuận phương án. Cái gọi là chấp thuận mới chỉ là chủ trương, mà ở Việt Nam hay gọi là quy hoạch.
Nếu TP.HCM cùng Đồng Nai, Bình Dương thực sự muốn kéo dài tuyến metro số 1 thì lãnh đạo 3 tỉnh, thành phải ngồi lại với nhau, thống nhất thuê các nhà tư vấn làm báo cáo nghiên cứu khả thi.
Chi phí cho báo cáo nghiên cứu khả thi chiếm khoảng 5 phần nghìn tổng vốn đầu tư, tức khoảng 110 tỷ đồng.
Nếu báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, 3 tỉnh, thành lại tiếp tục thuê đơn vị tư vấn làm thiết kế kỹ thuật, khâu này tốn khoảng 4% tổng mức đầu tư, tức trên 800 tỷ đồng.
Nếu thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, các địa phương phải trải qua thêm 6 bước chuẩn bị, trong đó bước chuẩn bị tiếp theo là phải được Chính phủ phê duyệt và cho phép đầu tư.
Sau đó, căn cứ vào giấy phép đầu tư và thiết kế kỹ thuật, UBND các tỉnh, thành liên quan đến dự án mới ra quyết định thu hồi đất, và chủ đầu tư dự án phải có tiền để bồi thường đất cho người dân.
Đến lúc đó mới coi như xong 10 bước chuẩn bị, chủ đầu tư tiến hành đấu thầu để chọn nhà thầu mua sắm thiết bị và các nhà thầu thi công.
Ở thời điểm hiện tại, TP.HCM và Đồng Nai, Bình Dương chưa có bước nào, mới chỉ là chủ trương mà thôi", TS Nguyễn Bách Phúc phân tích.
Tuyến metro số 1 của TP.HCM đang đội vốn, thiếu vốn
Đặc biệt, điều quan trọng nhất được TS Nguyễn Bách Phúc chỉ ra, đó là TP.HCM lấy tiền ở đâu để tiến hành phương án kéo dài tuyến metro số 1 trong bối cảnh các tuyến metro trong nội đô của TP còn đang ngổn ngang vì chậm tiến độ, đội vốn, thiếu vốn.
"Hồi cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho TP.HCM ứng trước vốn ODA trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để xây dựng tuyến metro số 1.
Đối với việc điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 và tuyến số 2, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn TP.HCM thực hiện các thủ tục theo quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Như vậy, việc TP.HCM điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 từ 19.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng là phạm luật bởi theo nghị quyết của Quốc hội, những công trình trên 35.000 tỷ đồng thì chủ đầu tư phải làm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Bây giờ TP.HCM muốn Chính phủ ứng trước vốn thì phải làm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội thông qua, sau đó tiếp tục làm báo cáo nghiên cứu khả thi trình Quốc hội. Sau khi được thông qua và thực hiện hết các bước nói ở trên cũng như thực hiện đầy đủ các bước chuẩn bị đầu tư theo đúng luật, thì Chính phủ mới có thể ứng vốn.
Nói vậy để thấy, tuyến metro số 1 đang hết tiền và chưa hề có cửa thoát nào cho tình trạng này. Từ đó, có thể phỏng đoán rằng, chủ trương kéo dài tuyến metro số 1 chỉ e là... chủ trương.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 10 luật khống chế hoặc tác động trực tiếp đến đầu tư xây dựng công trình, TP.HCM không được quyền vượt qua những luật đó. Quan trọng hơn cả là tiền đâu?
Không có tiền thì cũng có thể đi vay, nhưng không phải muốn vay ai thì vay, ai sẵn sàng cho Việt Nam vay? Vay là nợ, mà hiện Việt Nam nợ công hơn 120 tỷ USD", vị chuyên gia bày tỏ sự bi quan về nguồn vốn để xây dựng metro TP.HCM.
Trước băn khoăn cơ chế đặc thù có giúp cho ngân sách TP.HCM dồi dào hơn, từ đó TP có thể có tiền đầu tư cho metro, TS Nguyễn Bách Phú nói thẳng: "Cơ chế đặc thù cho phép TP.HCM một số quyền ưu tiên nhưng không có nghĩa là được vượt qua luật pháp của Việt Nam.
Việc tăng thuế, phí, lệ phí không thể bù đắp được ngay cả những chi phí cho TP.HCM, chưa kể tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP.HCM là 18%. Như vậy, có cơ chế đặc thù thì TP.HCM vẫn phải làm vất vả để có tiền, phải làm nhiều hơn để có nhiều của cải vật chất hơn".
-
Khám phá thông tin về tuyến metro số 1: Bạn có biết?
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM, được kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo giao thông thành phố. Hãy cùng khám phá chi tiết giá vé, lộ trình và những lợi ích mà Metro số 1 mang lại....
-
Đến năm 2035, TP.HCM sẽ phát triển thêm 355 km đường sắt đô thị
Chiều 27/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã có buổi thăm và làm việc với Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM (MAUR) và Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị TP.HCM (HURC1)....
-
Sáng nay, chính thức vận hành tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở TP.HCM
Sáng nay (22/12), tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại, đánh dấu cột mốc quan trọng trong phát triển giao thông đô thị của TP.HCM.