Đô thị TP.HCM, Ảnh: CafeLand
Theo đồ án quy hoạch, Khu trung tâm hiện hữu TP.HCM có tổng diện tích khoảng 930ha, bao gồm các quận sau: Quận 1 gồm các phường Nguyễn Thái Bình, Bến Thành, Bến Nghé, Phạm Ngũ Lão, một phần phường Cầu Ông Lãnh, một phần phường Đa Kao; Quận 3 gồm phường 6, một phần phường 7; Quận 4 gồm phường 9, 12, 13, 18 và Quận Bình Thạnh gồm phường 22 và một phần phường 19.
Quy mô dân số dự kiến đến năm 2020 của khu vực nghiên cứu khoảng 248.190 người (giảm so với quy mô dân số dự kiến là 273.000 người tại nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu 930 ha được duyệt).
Cơ cấu sử dụng đất của Khu trung tâm hiện hữu TP.HCM được quy hoạch như sau:
Đất dân dụng gồm: Phức hợp có diện tích 141,45 ha; Phức hợp chủ đạo ở có diện tích 126,44 ha; Phức hợp chủ đạo văn hóa/giải trí có diện tích 6,53 ha; Phức hợp chủ đạo văn phòng có diện tích 22,27 ha; Văn phòng điểm nhấn có diện tích 5,18 ha; Phức hợp chủ đạo khách sạn có diện tích 24,84 ha; Thương mại có diện tích 3,13 ha; Đất ở (Khu Saigon Pearl và Khu dân cư đầu cầu Thủ Thiêm 3) có diện tích 6,90 ha; Giáo dục có diện tích 34,17 ha; Y tế có diện tích 14,35 ha; Hành chính có diện tích 76,16 ha; Thảo Cầm viên Sài Gòn có diện tích 19,10 ha; Chợ Bến Thành có diện tích 1,27 ha; Phức hợp nhà ga xe buýt (Khu cảng quận 4) có diện tích 1,0 ha; Phức hợp và bãi đậu xe bến phà (Khu cảng quận 4) có diện tích 2,25 ha; Bảo tàng Hồ Chí Minh và công viên (Khu cảng Quận 4) có diện tích 2,94 ha; Công viên cây xanh có diện tích 59,43 ha; Quảng trường/đường dạo có diện tích 4,41 ha; Cây xanh cách ly có diện tích 1,99 ha; Quảng trường ga có diện tích 3,24 ha; Không gian mở dọc lối đi (Khu cảng quận 4) có diện tích 0,51 ha; Quảng trường nhà ga bến phà (Khu cảng quận 4) có diện tích 0,72 ha; Đường giao thông ≥ 12m có diện tích 208,61 ha; Đường giao thông < 12m có diện tích 0,83 ha; Đường Nguyễn Hữu Cảnh, Cầu Thủ Thiêm 2, đường Nguyễn Tất Thành, Cầu Thủ Thiêm 1, Cầu Sài Gòn, phần nổi của đường ngầm Tôn Đức Thắng, tuyến LRT đoạn qua công viên Bến Bạch Đằng, tuyến UMRT đoạn qua Ba Son có diện tích 21,33 ha.
Đất ngoài dân dụng gồm: Trạm bơm (Khu Nam Thị Nghè) có diện tích 0,66 ha; Trạm xăng (Khu cảng quận 4) 0,03 ha; Đất tôn giáo hiện hữu có diện tích 15,31; Đất hải quân (Khu Tân Cảng), đất quân sự (Khu cảng quận 4) diện tích 6,65 ha; Sông ngòi, kênh rạch có diện tích 117,29 ha.
Khu trung tâm hiện hữu TP.HCM được chia làm 5 phân khu với những đặc thù về chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, định hướng quy hoạch và giải pháp phát triển cải tạo đô thị.
Phân khu 1 (Khu lõi Trung tâm Thương mại Tài Chính - CBD): Là khu vực tập trung các công trình có chức năng Thương mại - Tài Chính (CBD) của thành phố, đây cũng là khu vực lõi trung tâm kinh doanh thương mại; phát triển với chức năng kinh doanh, thương mại, khách sạn, du lịch và hành chính, dịch vụ công cộng; toàn bộ nằm trong ranh giới quận 1 (giới hạn bởi: phía Bắc và phía Đông giáp đường Tôn Đức Thắng, phía Tây giáp đường Lê Lai và Lê Thánh Tôn, phía Nam giáp đường Phạm Ngũ Lão và Hàm Nghi), có diện tích khoảng 92,3ha.
Phân khu 2 (Khu Trung tâm Văn hóa - Lịch sử): Là khu vực tập trung các công trình có chức năng Văn hóa - Lịch sử, là trục trung tâm văn hóa lịch sử, quanh trục đường Lê Duẩn; phát triển với chức năng văn hóa, kinh doanh, thương mại, du lịch, dân cư và giáo dục; toàn bộ nằm trong ranh giới quận 1 (giới hạn bởi: phía Bắc giáp rạch Thị Nghè và đường Hoàng Sa, phía Tây giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai, phía Nam giáp đường Cống Quỳnh, phía Đông giáp đường Lê Lai và Lê Thánh Tôn), có diện tích khoảng 212,2ha.
Phân khu 3 (Khu bờ Tây sông Sài Gòn): Là khu vực phát triển mới đa chức năng, trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận, thuộc một phần quận Bình Thạnh, quận 1 và quận 4 (giới hạn bởi: phía Bắc giáp cầu Sài Gòn, phía Tây giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng, phía Nam giáp đường Nguyễn Tất Thành, kênh Tẻ, phía Đông giáp sông Sài Gòn), có diện tích khoảng 274.8 ha.
Phân khu 4 (Khu thấp tầng): Là khu dân cư hiện hữu, khu vực có nhiều công trình nhà biệt thự từ thời Pháp thuộc; phát triển với chức năng khu dân cư, văn hóa, giáo dục và thương mại thấp tầng thuộc một phần quận 1 và quận 3 (giới hạn bởi: phía Bắc giáp rạch Thị Nghè và đường Hoàng Sa, phía Tây giáp đường Võ Thị Sáu, phía Nam giáp đường Cách Mạng Tháng Tám, phía Đông giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai), có diện tích khoảng 232,3 ha.
Phân khu 5 (Khu lân cận lõi trung tâm): Là khu vực kế cận phân khu 1 về phía Nam, phát triển với chức năng kinh doanh thương mại tiếp nối từ khu Trung tâm Thương mại - Tài chính, thuộc một phần quận 1 và quận 4 (giới hạn bởi: phía Bắc giáp đường Hàm Nghi và Phạm Ngũ lão, phía Tây giáp đường Nguyễn Thái Học và Cống Quỳnh, phía Nam giáp đường Hoàng Diệu, phía Đông giáp đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Tất Thành), có diện tích khoảng 117,5 ha.
Khu trung tâm hiện hữu TP.HCM có phía Bắc giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh - Rạch Thị Nghè; Phía Tây giáp đường Đinh Tiên Hoàng - đường Võ Thị Sáu - đường Cách Mạng Tháng Tám; Phía Nam giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai - đường Cống Quỳnh - đường Nguyễn Cư Trinh - đường Nguyễn Thái Học - cầu Ông Lãnh - đường Vĩnh Phước - đường Hoàng Diệu và đường Nguyễn Tất Thành; Phía Đông giáp sông Sài Gòn.