18/10/2019 6:42 AM
Sau 17 năm đưa vào sử dụng, ngành giao thông TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai dự án sửa chữa, nâng cao tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh do bị lún nặng. Việc nâng cao tuyến đường được cho là “rốn ngập” của thành phố đang có nhiều ý kiến trái ngược nhau, tuy nhiên, phần lớn đều tập trung ở một điểm: Liệu có tình trạng chống chỗ này lại ngập chỗ khác?…

Đường Nguyễn Hữu Cảnh thường xuyên bị ngập sâu khi mưa lớn, triều cường.

Theo chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh), đường Nguyễn Hữu Cảnh dài 3,2 km nối quận 1 với Bình Thạnh được sửa chữa, thi công nâng mặt đường ở những vị trí bị lún nặng, còn lại vẫn giữ nguyên cao trình để bảo đảm khả năng thoát nước tự nhiên. Theo đó, đoạn từ hầm chui phía trước tòa nhà The Manor đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh dài khoảng 500 m, bị lún nặng nhất cho nên được nâng cao thêm từ 50 cm đến 1,2 m. Đây là đoạn đường thường xuyên ngập nặng vào mùa mưa khiến tình hình giao thông ách tắc, việc đi lại, lưu thông hết sức khó khăn. Cùng với đó, đơn vị thi công sẽ thực hiện sửa chữa, cải tạo những chỗ nền, mặt đường bị hư hỏng. Ngoài ra, còn cải tạo, xây dựng bổ sung hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ, công trình hạ tầng kỹ thuật và sửa chữa một số hạng mục khác dọc tuyến đường bảo đảm mỹ quan đô thị.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 473 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, trong đó chi phí xây dựng là 371 tỷ đồng. Mức đầu tư này cao hơn chi phí xây dựng toàn bộ tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh vào thời điểm năm 1997 (420 tỷ đồng). Chủ dự án cho biết đã khảo sát, trao đổi ý kiến với người dân và nhận được sự đồng thuận khi nâng cao độ mặt đường. Phương án khắc phục là xây bậc tam cấp hoặc làm đường dốc để người dân và phương tiện giao thông đi lại dễ dàng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thăng, ở khu phố 2, đường Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh vẫn phân vân: Việc thi công nâng cao đoạn đường này ở khu vực cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh lên hơn 1 m sẽ khiến nước tập trung tại các chỗ trũng và tràn về phía các tuyến đường và hẻm bên dưới. Do đó, việc nâng đường chống ngập cho tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh cần được ngành giao thông thành phố xem xét, đánh giá kỹ nhằm tránh gây ảnh hưởng cho các khu vực dân cư lân cận.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu, đường, cảng TP Hồ Chí Minh Hà Ngọc Trường, người nghiên cứu về các giải pháp chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh nhiều năm qua, nhận định: Đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn từ Tôn Đức Thắng đến cầu Thị Nghè (dọc theo Thảo Cầm Viên) trước đây đã được đầu tư hệ thống thoát nước tốt, mặt đường được nâng cao cho nên không bị ngập. Riêng đoạn từ mố bắc cầu Thị Nghè (phía quận Bình Thạnh) đến giáp nút giao cầu Sài Gòn (dài khoảng 2,7 km), nhất là đoạn qua khu vực tòa nhà The Manor đến chân cầu Thủ Thiêm, thường xuyên bị ngập khi triều cường hoặc mưa lớn, vì vậy việc nâng cấp triệt để đoạn này là hợp lý. Tuy nhiên, sau khi hệ thống thoát nước được cải tạo tốt, mặt đường được nâng cao từ 50 cm đến 1,2 m có thể sẽ ảnh hưởng một phần đến cư dân ở các con hẻm lân cận, chủ đầu tư và bộ phận giám sát phải đặc biệt lưu ý có giải pháp vuốt dốc hoặc xây bậc tam cấp trước khu vực này để hạn chế tình trạng nước tràn vào nhà dân.

Theo Tiến sĩ Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), việc nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ là giải pháp trước mắt vì góp phần tạo thuận lợi cho giao thông vào mùa mưa, nhưng không phục vụ lợi ích tổng thể, đồng nghĩa với việc “đẩy” cái khó từ nơi này sang nơi khác. Không chỉ từ thực tế đường Nguyễn Hữu Cảnh mà xét trên bình diện chung cho thấy thành phố đang “chạy” theo nhà đầu tư bất động sản, bởi ở nhiều khu vực, ở các trục đường chính đang có hàng loạt dự án, nhà ở cao tầng với một khối lượng bê-tông khổng lồ đè lên mặt đường dẫn đến tình trạng bị lún. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra là tình trạng lún đường, dẫn đến mức độ ngập nước ngày càng gia tăng…

Ghi nhận thực tế từ các dự án chống ngập mà thành phố triển khai cho thấy, hầu hết việc thi công chống ngập, nhất là chống ngập do triều cường, chủ yếu là nâng đường, nền hạ để ngăn nước dâng lên, nhưng khi nâng đường lên cao thì nước từ mặt đường tràn vào hẻm, từ hẻm sẽ tràn vào nhà dân. Cùng với đó, việc thi công nâng đường không được tính toán tổng thể trên cơ sở mực nước triều biến động qua từng năm với xu hướng năm sau cao hơn năm trước, cho nên thực tế đã có không ít tuyến đường sau khi nâng cao nền hạ thì mực nước triều vẫn vượt cao hơn.

Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh trực thuộc Sở Xây dựng thành phố cho biết: Để chống ngập do triều ở tuyến đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) thì thành phố dùng giải pháp xử lý tạm là nâng cấp và mở rộng đường Lê Văn Lương. Tuy nhiên, sau khi nâng đường thì cao độ hoàn thiện công trình vẫn chưa đáp ứng triều đạt cao trình 1,75 m, cho nên vẫn gây ngập. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7); đường Phú Định, Bến Mễ Cốc (quận 8)... gây lãng phí không nhỏ cho công tác đầu tư cũng như việc nâng hẻm, nâng nhà của người dân.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, thành phố nâng cao đường là cần thiết nhưng cần phải làm ngay việc lấy cốt chống ngập cho tất cả mọi con đường để giúp người dân xây dựng và sửa chữa nhà không phải chạy theo sự biến động độ cao của công trình. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ cần thực hiện thống nhất, kết nối đồng bộ nhằm bảo đảm thuận lợi về giao thông, tránh gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân…

Võ Lệ (Báo Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.