10/05/2015 8:12 PM
Cái chết tức tưởi của 3 mẹ con do cần cẩu đè trúng ở Đồng Tháp đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về mức độ an toàn khi sử dụng tháp cẩu tại các công trình xây dựng.

Do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, tại TP.HCM có hàng trăm công trình cao tầng sử dụng cần cẩu để phục vụ thi công

Theo khảo sát của Infonet, tại TP.HCM có hàng trăm công trình xây dựng sử dụng cần cẩu để thi công. Thang cần cẩu vươn dài từ vài chục đến hàng trăm mét với những khối bê tông, sắt, thép như những chiếc “búa khổng lồ” lơ lửng trên đầu người dân.

Nhiều người dân vừa điều khiển phương tiện vừa phải liên tục nhìn lên trời để né tháp cần cẩu đang di chuyển với khối bê tông nặng hàng trăm kg. Sợ tai họa “trên trời rơi xuống”, chị Nguyễn Thị Huế (Q. Gò Vấp) phải thay đổi lộ trình đường đi để tránh tháp cần cẩu của công trình xây dựng tòa nhà làm việc của các cơ quan đại diện Bộ Công thương nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1).

“Nhiều lần thấy cần cẩu di chuyển ra giữa đường mang theo cả khối bê tông hàng trăm kg lơ lửng trên đầu, ai cũng lo lắng tìm cách né nên tôi chọn đi một con đường khác dẫu xa hơn vài km”, chị Huế cho biết.

Theo quy định của pháp luật, người lái cẩu phải có bằng nghề hoặc chứng chỉ nghề, chứng chỉ an toàn theo thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ LĐ-TB-XH quy định về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động. Khi thi công ở khu vực nhiều người qua lại, đơn vị thi công cần phải đảm bảo an toàn lao động. Cụ thể: phải có phương án đảm bảo an toàn khi cẩu hoạt động, được người có trách nhiệm phê duyệt, phải có thông báo, rào chắn, biển báo, người cảnh giới. Trong phương án bảo đảm an toàn cho cẩu vận hành phải có tính toán vật rơi, phạm vi ảnh hưởng đến đâu thì làm rào chắn tới đó.

Cần cẩu vươn ra ngoài đường tại một công trình xây dựng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1).

Tuy nhiên, theo ghi nhận Infonet, nhiều cần cẩu khi hoạt động vươn ra ngoài đường (ngoài phạm vi rào chắn của công trình) đều rất khó kiểm soát nếu xảy ra sự cố đổ ấp xuống đường khi người dân đang tham gia lưu thông.

Mấy năm gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn thương tâm từ những chiếc cần cẩu của các công trình xây dựng bị tuột cáp, gãy thân, “bật gốc” xảy ra khiến người dân hoảng sợ. Cụ thể như vào tháng 11/2014, trong lúc thi công tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông (TP.Hà Nội), hai thanh thép xoắn từ chiếc cần cẩu bất ngờ bị tuột, rơi trúng người đi trên đường Nguyễn Trãi. Vụ tai nạn khiến một người tử vong tại chỗ, hai người bị thương nặng.

Gần đây nhất là vụ tai nạn “trên trời rơi xuống” làm 3 mẹ con chị Cao Tường V. (SN 1984, Đồng Tháp) đang đi xe máy thì bị chiếc cần cẩu đang thi công cầu Hồng Ngự 2 bất ngờ bị tuột cáp, đổ xuống đè trúng tử vong tại chỗ.

Những chiếc "búa khổng lồ" treo lơ lửng trên đầu người dân
Những "thần chết" không chỉ xuất hiện ở ngoài mặt đường, mà nó có tiềm ẩn nguy hiểm khi xây dựng gần khu vực nhà ở, nơi làm việc. Trong ảnh chụp tại một công trình xây dựng ở gần số 155 đường Nguyễn Văn Trỗi (Q. Phú Nhuận)
Đường Nguyễn Khoái, Q.4
Công trình xây dựng tòa nhà làm việc của các cơ quan đại diện Bộ Công Thương có cảnh báo nguy hiểm nhưng phần đối trọng với những tấm bê tông hàng trăm kg treo lơ lửng trên đầu người dân khi hoạt động
Cần cẩu hoạt động tại một công trình trên đường Lý Thường Kiệt, P.7, Q.10
Nguyễn Tuấn (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.