12/07/2014 5:07 PM
Vụ gãy cần cẩu gây thiệt hại nghiêm trọng tại Hải Phòng ngày 9/7 tại công trường thi công cầu vượt qua sông Lạch Tray thuộc dự án xây dựng đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng khiến dư luận hết sức lo lắng. 2 công nhân thiệt mạng, 4 người bị thương là hậu quả vô cùng đáng tiếc. Vụ việc lại dấy lên lo ngại về sự an toàn trong thi công các công trình, đặc biệt là công trình cao tầng trong các khu dân cư.

Một công trình xây dựng trên phố Lê Duẩn, Hà Nội đã nhiều ngày nay quay chiếc cẩu tháp có những tảng bê tông lớn ra giữa khoảng không chiếu thẳng xuống lòng đường. Đây cũng là nơi các phương tiện giao thông dừng chờ đèn đỏ. Nhiều người đi đường ngước mắt nhìn lên trời và hãi hùng trước những tảng bê tông đang lơ lửng trên đầu. Chị Đinh Thị Thu nhà ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội bày tỏ sự lo lắng: “Ngày nào tôi cũng đi làm qua đây, và ngày nào tôi cũng tưởng tượng tảng bê tông kia rơi xuống đầu mình thì sẽ ra sao. Thế nên, cứ qua đây tôi thường đi rất nhanh”.

Chỉ cách đó một tuyến phố, trên phố Phan Bội Châu cũng có một công trình đặt cẩu tháp treo trên đầu người tham gia giao thông. Chiếc cẩu dù không vận hành, nhưng vẫn quay những khối bê tông lớn ra đường.

Những chiếc cẩu tháp lơ lửng trên đầu gây lo lắng cho người dân.

Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn cẩu tháp xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng đối với người và tài sản. Tháng 12/2011 tại một công trình ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội đã sập cần cẩu trong đêm. Rất may cần cẩu sập trong phạm vi công trường, không có người làm việc lúc đó nên không gây thiệt hại về người. Hay như vụ đứt cáp cẩu tại công trường phố Núi Trúc, Hà Nội khiến một người tử vong, vụ đổ cần cẩu vào tháng 9-2013 ở khu vực dự án đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh…

Hà Nội là nơi tập trung đông dân cư và đây cũng là nơi có vô số công trình cao tầng. Có thể nhìn thấy rất nhiều cẩu tháp xuất hiện ở khắp nơi trên địa bàn, lẫn trong khu dân cư. Điều khiến người dân lo sợ chính là những tảng bê tông làm đối trọng cho cần cẩu để đưa vật liệu lên cao lại thường quay ra ngoài đường, nơi hàng ngày có hàng nghìn người và xe qua lại. Thậm chí, có công trình ngừng thi công lâu ngày, cẩu tháp hoen gỉ nhưng vẫn quay phần đối trọng ra ngoài đường, chủ quan trước những nguy cơ có thể xảy ra bất kỳ.

Ngày 10/7 ông Phan Đăng Thọ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Cần cẩu phải qua kiểm định mới được đưa vào thi công tại các công trình. Nhà thầu xây dựng phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn khi thi công. Chủ đầu tư và cơ quan giám sát thi công phải kiểm tra xem cẩu tháp sử dụng trong công trình có được kiểm định không, có phương án an toàn không, có thi công đúng tải trọng đã được kiểm định hay không… Thực tế cũng có xảy ra sự cố khi nhà thầu không thi công đúng tải trọng đã được kiểm định. Việc thi công không đúng tải trọng cũng sẽ dẫn đến gãy cẩu, gây hậu quả nặng nề.

Hiện nay Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn cần trục tháp khá chặt chẽ, từ việc kiểm tra lý lịch thiết bị, kỹ thuật bên ngoài, thử tải… Tuy nhiên, dù đã được kiểm định an toàn, nhưng việc giám sát thi công tại công trường lại đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần siết chặt công tác kiểm tra, giám sát việc thi công theo đúng kỹ thuật, đúng tải trọng, đặc biệt là những chiếc cẩu tháp thi công tại khu vực đô thị, nơi đông dân cư. Khi không vận hành cẩu tháp, đơn vị thi công phải tháo dỡ hoặc di chuyển cẩu tháp, đưa những khối bê tông đối trọng vào trong công trường, tránh để ra đường hoặc vào khu dân cư, gây lo lắng, nguy hiểm cho người dân

Việt Hà (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.