Nhiều uẩn khúc tại dự án liên doanh giữa PTC và Công ty Artkins (Hồng Kông) kéo dài 25 năm nay chưa được giải quyết.

Khu nhà đất số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) đang được một số doanh nghiệp sử dụng sau khi nhận chuyển nhượng vốn từ Công ty Artkins.

Khu đất “vàng” 1.182 m2 tại số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai giữa trung tâm TP.HCM được cơ quan chức năng cấp phép cho Liên doanh Liên hiệp Khoa học dịch vụ công nghệ và sản xuất (PTC) và Công ty Artkins (Hồng Kông) từ năm 1996 để xây cao ốc văn phòng. Tới nay, đã 25 năm, dự án không hình thành, còn đối tác Việt Nam có nguy cơ trắng tay. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đang ung dung sử dụng khu đất này, bởi đối tác ngoại của Liên doanh đã bán vốn “chui” cho họ.

Bài 1: Khi đối tác ngoại “ngó lơ” luật pháp

Tòa án Nhân dân TP.HCM mới đây thông báo tiếp tục giải quyết vụ án “Tranh chấp thành viên với thành viên công ty” do Liên hiệp Khoa học dịch vụ công nghệ và sản xuất (PTC) kiện Công ty Artkins (Hồng Kông) sau khi đã có kết quả ủy thác. Ngoài PTC và Artkins, vụ kiện này còn liên quan đến hàng loạt công ty và cả chính quyền TP.HCM.

Hai lần gia hạn, dự án “vàng” vẫn nằm trên giấy

Theo hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, tháng 11/1993, PTC (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) ký hợp đồng liên doanh với Công ty Artkins Property Agency Limited (Công ty Artkins, trụ sở tại Hồng Kông) thành lập Công ty Liên doanh PTC - Artkins. Hai bên thống nhất tỷ lệ góp vốn pháp định là PTC góp 30% (giá trị nhà đất), Artkins góp 70% bằng tiền mặt và vật tư, máy móc, thiết bị để thực hiện Dự án Cao ốc văn phòng tại khu nhà đất số 464 - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM).

Tới ngày 6/9/1994, Liên doanh PTC - Artkins được cấp phép thành lập để thực hiện Dự án. Sau khi được cấp giấy phép đầu tư, do có nhu cầu mở rộng diện tích Dự án, nên PTC - Artkins mua thêm khu nhà đất liền kề, số 462 - Nguyễn Thị Minh Khai, cũng với tỷ lệ góp vốn: PTC góp 30% (giá trị nhà và tiền mặt mua nhà), Artkins góp 70% bằng tiền mặt và vật tư, máy móc.

Theo xác minh của Thanh tra Chính phủ tại Báo cáo kết luận số 676/BC-TTCP từ tháng 4/2016 (về kết quả kiểm tra, rà soát việc thực hiện dự án và những vấn đề tồn tại liên quan đến tài sản của Công ty Liên doanh PTC - Artkins, trong đó có nhà đất 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai), thì nguồn gốc khu nhà đất số 464 - Nguyễn Thị Minh Khai (diện tích khuôn viên 711 m2) thuộc chủ quyền của Thiếu tướng Lê Văn Tưởng (được UBND TP.HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà số 367/HGN); còn khu đất nhà liền kề mang số 462 - Nguyễn Thị Minh Khai (569 m2) được UBND TP.HCM giao Tuần báo Văn nghệ TP.HCM sử dụng làm văn phòng.

Với khu nhà đất số 464 - Nguyễn Thị Minh Khai, UBND TP.HCM có Công văn số 3075/UB-QLĐT chấp thuận bán cho PTC để liên doanh xây cao ốc văn phòng. Tương tự, nhà đất số 462 - Nguyễn Thị Minh Khai được Tuần báo Văn nghệ TP.HCM bán cho PTC với sự chấp thuận của UBND TP.HCM (Văn bản số 3152-QLĐT, ngày 20/10/1995) làm tài sản đưa vào góp vốn liên doanh.

Ngày 18/1/1996, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Quyết định số 979/GPĐC1 cho phép các bên liên doanh xây dựng tòa nhà văn phòng cho thuê và kinh doanh các dịch vụ văn phòng tại số 462 và 464 - Nguyễn Thị Minh Khai, với vốn đầu tư 8 triệu USD; vốn pháp định 2,58 triệu USD; tỷ lệ góp vốn của bên Việt Nam là 30% bằng giá trị 2 căn nhà đất, phía nước ngoài góp 70% bằng tiền và máy móc, thiết bị.

Cũng trong năm 1996, UBND TP.HCM có nhiều quyết định liên quan cấp sổ đỏ cho Liên doanh PTC - Artkins để thực hiện dự án.

Theo xác minh của Thanh tra Chính phủ, tới năm 1997, liên doanh này đã lập dự án, thiết kế, giải phóng mặt bằng toàn bộ cấu trúc ngôi nhà ở số 464 - Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng việc xây dựng tại cả khu đất số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai vẫn chưa được tiến hành.

Sau đó, tính đến năm 2005, đã 2 lần UBND TP.HCM chấp thuận cho liên doanh này được tạm hoãn triển khai Dự án, nhưng công trình xây dựng cao ốc tại đây vẫn… nằm trên giấy.

Gãy gánh do đâu?

Theo xác minh của Thanh tra Chính phủ, thì vào thời điểm năm 1997, tại châu Á xảy ra khủng hoảng kinh tế - tài chính, đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp Hồng Kông, trong đó có Công ty Artkins, khiến “sự liên doanh đầu tư của Công ty Artkins không thành công do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan không như kỳ vọng của Công ty”.

Trong khi đó, đơn khởi kiện của PTC gửi Tòa án Nhân dân TP.HCM nêu: sau khi ký hợp đồng liên doanh và thực hiện xong việc chi trả bồi thường cho 2 khu nhà đất nêu trên, phía Công ty Artkins không góp đủ vốn pháp định, kéo dài 10 năm không đầu tư theo cam kết; Tổng giám đốc Công ty Liên doanh là người do Công ty Artkins cử, thường xuyên vắng mặt, bỏ mặc Công ty.

Vì vậy, sau khi “ưu ái” cho gia hạn tới 2 lần mà vẫn không triển khai Dự án, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 09/QĐ-UB, ngày 4/1/2005 chấm dứt hoạt động của Liên doanh PTC - Artkins.

Ngay sau đó, ông Chan Ming Chuen, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Liên doanh PTC - Artkins, đại diện phía nước ngoài, gửi văn bản tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để khiếu nại quyết định nêu trên của UBND TP.HCM.

Tháng 2/2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quyết định số 179/QĐ-BKH về việc giải quyết khiếu nại này. Theo đó, Bộ giữ nguyên các quyết định của UBND TP.HCM, tức đồng tình về việc chấm dứt hoạt động của Liên doanh PTC - Artkins.

Như vậy, kể từ ngày 4/1/2005 (theo quyết định của UBND TP.HCM), Liên doanh PTC - Artkins đã phải chấm dứt hoạt động, phải thành lập ban thanh lý và thực hiện việc thanh lý doanh nghiệp. Dự án “vàng” trên mảnh đất “kim cương” chưa đi được nửa đường đã “gãy gánh”.

Vừa khiếu nại, vừa “tranh thủ” bán tháo vốn góp

Điều đáng nói là, trong thời gian chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết đơn khiếu nại của ông Chan Ming Chuen, Chủ tịch HĐQT Liên doanh PTC - Artkins, đại diện phía nước ngoài, Công ty Artkins đã vội vã ký hợp đồng bán toàn bộ vốn góp của mình trong Liên doanh cho Công ty TNHH Tân Thành.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc chuyển nhượng vốn đã diễn ra sau ngày UBND TP.HCM có quyết định chấm dứt hoạt động sản xuất - kinh doanh của Liên doanh và “chuyển nhượng vốn trong lúc bên nước ngoài đang khiếu kiện lên UBND TP.HCM và Bộ Kế hoạch Đầu tư về quyết định chấm dứt hoạt động công ty liên doanh của UBND TP.HCM”.

Hành vi bán vốn góp trên, theo Thanh tra Chính phủ, là trái quy định pháp luật và điều lệ của Công ty Liên doanh. Bởi, quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài năm 2000 cùng các nghị định có hiệu lực ở thời điểm này nêu rõ, việc chuyển nhượng phải được các bên trong liên doanh thỏa thuận; khi chuyển nhượng vốn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký chuyển nhượng vốn với cơ quan cấp giấy phép đầu tư, trong đó phải có nghị quyết của HĐQT liên doanh về chuyển nhượng vốn.

Tuy nhiên, bên nước ngoài là Công ty Artkins đã tự ý chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cho bên thứ 3 mà không được các bên trong Liên doanh thỏa thuận, HĐQT liên doanh không có quyết định thông qua và không đăng ký với cơ quan cấp phép.

Đáng lưu ý, theo Thanh tra Chính phủ, trong hợp đồng chuyển nhượng vốn góp thể hiện, Artkins bán toàn bộ vốn góp của công ty này tại Liên doanh cho Công ty TNHH Tân Thành.

Nhưng theo khởi kiện kèm bằng chứng của PTC, thì Công ty Artkins không chỉ bán cho Công ty TNHH Tân Thành, mà ngày 15/1/2004, Artkins đã ký hợp đồng chuyển nhượng vốn cho Công ty TNHH Thiên Gia Định với giá 1.280.500 USD. Ngay sau khi biết sự việc, PTC có văn bản đề nghị Công ty Artkins ưu tiên theo quy định, chuyển nhượng vốn cho PTC, nhưng bị từ chối với lý do không bán lần 2.

Theo khởi kiện của PTC, trong cả 2 lần bán vốn nói trên, Công ty Artkins đều giả mạo ý kiến đồng ý của PTC để ký hợp đồng chuyển nhượng. Về nội dung này, Thanh tra Chính phủ chưa làm rõ.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, tại sao đối tác nước ngoài bán vốn trái luật, mà các doanh nghiệp nhận chuyển nhượng lại được cấp phép trên khu “đất vàng” tại số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM)?

(Còn tiếp)

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, không chỉ thông báo tiếp tục giải quyết vụ án, ngày 10/5/2021, Tòa án Nhân dân TP.HCM tiếp tục có văn bản đề nghị cơ quan liên quan quận 3, tiến hành xác minh, cung cấp danh tính cá nhân, tổ chức thường trú, tạm trú trên khu đất số 462 - 464 Nguyễn Thị Minh Khai để phục vụ việc giải quyét của Tòa.

Trước đó, từ tháng 5/2020, Tòa án Nhân dân TP.HCM cũng đã có văn bản đề nghị xác minh, nhưng tới nay vẫn chưa nhận được kết quả trả lời

  • Thấy gì từ những vụ “nhường sân” trên thị trường bán lẻ?

    Thấy gì từ những vụ “nhường sân” trên thị trường bán lẻ?

    CafeLand - Chỉ trong một thời gian ngắn, thị trường bán lẻ Việt Nam được khuấy động bởi hai thương vụ lớn. Sự chuyển mình của xu hướng bán lẻ trong thời đại mới, hay các thay đổi trong hành vi của người tiêu trong thời gian vừa qua đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho thị trường bán lẻ 100 triệu dân.

Ngô Nguyên (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.