12/07/2011 12:44 PM
Theo kế hoạch, giai đoạn 2011-2015, TP HCM sẽ có thêm 39 triệu m2 sàn xây dựng, đạt bình quân 17m2/người. Trong đó, 75% là nhà kiên cố, dần tiến đến một siêu đô thị vào năm 2025.

Thêm nhiều cao ốc


Trước mắt, TP HCM sẽ có thêm tòa nhà Time Square gồm hai khối tháp (mỗi khối cao 36 tầng) nằm trên trục đường Nguyễn Huệ – Đồng Khởi. Tòa nhà này, nếu tính cả khối bệ 6 tầng, sẽ có chiều cao gần 165m. Hai khối nhà này sẽ là trung tâm bán hàng thời trang, mỹ phẩm cao cấp; 120 căn hộ hạng sang theo tiêu chuẩn quốc tế, được bán hoặc cho thuê. Một khách sạn 5 sao có 230 phòng, nhiều nhà hàng, trung tâm thể thao đa năng, một sảnh hội nghị lớn. Như tòa nhà Bitexco hình búp sen, tòa nhà Time Square cũng có sân đỗ máy bay trực thăng.


Tại khu đất vàng Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng – Bến Chương Dương sẽ là nơi tọa lạc của tòa nhà Sài Gòn M&C. Đây cũng là tòa nhà có khối bệ 6 tầng là trung tâm thương mại, dịch vụ và một khối văn phòng cao 34 tầng cùng 130 căn hộ cao cấp. Khu Eden rộng 8.800m2 tuy có độ cao xây dựng khá khiêm tốn (tối đa 36m) nhưng chủ đầu tư là Công ty cổ phần Vincom sẽ cho ra đời tại đây một tòa nhà, căn hộ hạng sang đúng với giá trị của khu đất. Trung tâm kinh doanh vàng bạc, đá quý và thương mại SJC đang trong giai đoạn hối hả thi công. Đây sẽ là công trình cao 52 tầng (chưa kể 6 tầng hầm).


Tòa nhà trung tâm tài chính Bitexco giữa khu trung tâm. Ảnh: Nguyên Quốc


Khởi công vào cuối năm 2010, khách sạn 5 sao Pullman Saigon Centre sẽ cao 24 tầng (có 3 tầng hầm) tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo. Khách sạn này có 300 phòng, nhiều nhà hàng, trung tâm hội nghị, trung tâm sức khỏe, các khu giải trí. Đây là những công trình cao tầng, hạng sang sẽ sớm được đưa vào khai thác trong một vài năm tới. Còn nhiều dự án công trình tòa nhà cao tầng khác tại trung tâm TP cũng đã được phê duyệt kế hoạch, sẽ được các chủ đầu tư khởi công động thổ trong tương lai là: khách sạn Novotel Saigon Centre, cao ốc ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV… Điều đáng kể là, những tòa nhà, trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp sẽ mọc lên tại trung tâm TP đều được các chủ đầu tư xây dựng áp dụng công nghệ xanh, thông minh và tiết kiệm năng lượng. Đây là những công trình xây dựng thân thiện với con người và môi trường. Tuy nhiên, việc có mặt hàng loạt cao ốc cũng đồng nghĩa với áp lực giao thông sẽ tăng đáng kể. Điều này đòi hỏi TP phải có phương án tổ chức giao thông thật tốt tại khu trung tâm cho việc dừng đỗ xe, cũng như sớm có qui hoạch không gian ngầm làm bãi giữ xe.


Hướng đến siêu đô thị


Dự báo đến năm 2025, TP HCM sẽ có khoảng trên 10 triệu dân và sẽ là trung tâm gắn kết với vùng đô thị xung quanh là Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Khu trung tâm của TP hiện nay vẫn là hạt nhân, có mở sang khu đô thị mới Thủ Thiêm. Riêng các khu đô thị vệ tinh sẽ là Dĩ An (Bình Dương) và Biên Hòa (Đồng Nai). Đây là hướng của TP đi các tỉnh miền Trung và Miền Bắc và đã được ưu tiên cho đầu tư hạ tầng, hiện đang triển khai như: tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên, dự án đại lộ Đông Tây, đường cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây, xa lộ Hà Nội đang được mở rộng.


Tương lai, TP sẽ triển khai một số dự án cầu, đường nối TP với Nhơn Trạch (Đồng Nai), hình thành khu đô thị khoa học-công nghệ tại quận 9 và Thủ Đức, gồm: khu công nghệ cao gần 900ha, khu ĐH Quốc gia 800ha và các khu chức năng khác. Hướng phát triển Đông bắc này sẽ lấy sân bay Long Thành là động lực phát triển. Sân bay quốc tế Long Thành chỉ cách TP khoảng 40km, có diện tích xây dựng trên 5.000ha (gấp 6 lần sân bay Tân Sơn Nhất), có 4 đường băng và 4 nhà ga, đáp ứng nhu cầu vận chuyển 70 lượt khách/năm.


Hướng phát triển khác của TP sẽ là hướng Nam-Đông Nam. Tuy được coi là hướng phát triển phụ, nhưng hướng này hiện đang phát triển khá nhanh với khu công nghiệp Tân Tạo và khu đô thị mới Bình Tân. Từ đó, hướng phát này cũng đã được đầu tư các dự án đường cao tốc TP HCM-Trung Lương, tuyến metro từ trung tâm về bến xe miền Tây, tuyến đường sắt TP HCM-Cần Thơ… kết nối với các tuyền giao thông đường bộ các tỉnh miền Tây. Khoảng 10 năm nữa, hướng này sẽ phát triển các khu đô thị mới Bình Chánh, Bình Tân với các khu công nghiệp tập trung.


Riêng hướng Bắc-Tây Bắc sẽ là các khu đô thị Hóc Môn, Củ Chi, phát triển dọc theo quốc lộ 22, trục đường xuyên Á nối với Tây Ninh và Campuchia. Đây là khu kết nối các đô thị vệ tinh rất quan trọng trong tương lai vì khoảng cách gần, dễ thu hút được các nhà đầu tư vì tiếp cận với các tỉnh miền Đông, miền Tây như Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước. Tiền đề của động lực phát triển hướng Nam-Đông Nam đã được TP chuẩn bị sẵn. Đó là trục đường Trường Chinh, đường xuyên Á đã được khai thác, để nối với cửa ngõ phía Bắc. Trọng tâm phát triển của hướng này sẽ là khu đô thị mới Tây Bắc Củ Chi, có diện tích khoảng 6.000ha và một số đô thị nhỏ hơn ở quận 12, huyện Hóc Môn.


Để thành hiện thực, ngoài việc kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn kinh tế nhà nước và huy động từ những tổ chức xã hội khác… TP cũng cần mở rộng các cuộc thi thiết kế xây dựng các khu dân cư, đô thị mới, dự án hạ tầng để tìm, chọn phương án tối ưu và khả thi nhất. Thêm nữa, do việc hoạch định mở rộng TP trong tương lai vừa ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, vừa là lợi ích thiết thực của mọi người, TP coi việc triển lãm thiết kế, trưng cầu ý dân là việc cần xem xét thấu đáo.

Theo Quốc Định (Petrotimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.