Trong 8 tháng năm 2020, TPHCM chỉ thu 4.453 tỷ đồng tiền sử dụng đất, giảm đến 52% so với cùng kỳ. Ảnh: ST
Đấu giá đất, tạo nguồn thu
Tính đến cuối tháng 8/2020, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TPHCM thực hiện hơn 216.000 tỉ đồng, đạt hơn 53% so với kế hoạch cả năm 2020 là 405.000 tỷ đồng. Từ thực tế này, bên cạnh các giải pháp tạo thuận lợi cho người nộp thuế, lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị sớm thực hiện bán đấu giá nhà đất tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố đối với nhà đất đã có Quyết định bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá. Đối với nhà đất đã được duyệt chủ trương bán đấu giá nhưng đã hết thời hạn hiệu lực, thực hiện rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhu cầu sử dụng nhà đất đảm bảo tiêu chuẩn định mức quy định để đề xuất phương án bán đấu giá nhà đất dôi dư, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Lãnh đạo TPHCM cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cần phối hợp với Cục Thuế TPHCM hoàn tất hồ sơ liên quan để triển khai thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với các khu đất đã có quyết định giao, thuê đất của UBND TPHCM nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trước mắt, Trung tâm Khai thác quỹ đất khẩn trương thực hiện đấu giá 4 lô đất (3.5, 3.8, 3.9, 3.12) và 3.790 căn hộ tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ thiêm để tạo nguồn đầu tư trở lại cho dự án.
Mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp bất động sản TPHCM cho biết, số thu tiền sử dụng đất bị sụt giảm mạnh do ách tắc trong việc cấp sổ hồng. Trong 8 tháng năm 2020, TPHCM chỉ thu 4.453 tỷ đồng tiền sử dụng đất, giảm đến 52% so với cùng kỳ. Theo ông Châu, nếu tháo gỡ được ách tắc tiền sử dụng đất, thì sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Riêng đối với các nguồn thu từ công tác cổ phần hóa, thoái vốn cần đẩy nhanh tiến độ kế hoạch thoái vốn của các doanh nghiệp. Để thực hiện, UBND TPHCM vừa báo cáo kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành sớm có hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Do chưa có hướng dẫn này nên thời gian qua TPHCM chưa thể triển khai cổ phần hóa, dẫn tới không có nguồn thu từ công tác này. Đồng thời, kiến nghị đẩy nhanh tiến độ kê khai, phê duyệt phương án và thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên địa bàn TPHCM. Việc này nhằm tạo điều kiện cho TPHCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền với đất theo quy định.
Để tăng nguồn thu, TPHCM cũng kiến nghị Trung ương xem xét và trình Quốc hội sớm thông qua đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2026-2030 để tăng thu ngân sách chuyển Trung ương và tạo tiền đề để TPHCM phát triển nhanh, bền vững.
Chống thất thu hiệu quả
Theo đánh giá của UBND TPHCM, tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng bởi diễn biến khó lường của dịch Covid-19 nên nguồn thu ngân sách cần có nhiều giải pháp. Từ nay đến cuối năm, cần tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách hỗ trợ người nộp thuế chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường dịch vụ công cấp độ 3, 4 trực tuyến.
Tại cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong giao Cục Thuế và Cục Hải quan TPHCM tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống chuyển giá. Trong đó rà soát toàn bộ các khoản thu phát sinh của các doanh nghiệp trong tháng 7 và trong quý 2 của các doanh nghiệp không thuộc đối tượng được gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, lệ phí và tiền thuế đất để đôn đốc người nộp thuế thực hiện nộp đúng, đủ các khoản phát sinh phải nộp vào ngân sách nhà nước kịp thời.
Thực hiện tố chức thanh tra, kiểm tra ngay đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, có rủi ro cao về thuế; kiểm tra, rà soát mã số hồ sơ, giá tính thuế, chính sách thuế, xuất xứ... để chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm xác định đúng, đủ số thuế phải nộp; rà soát kỹ các trường hợp nợ thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất để có giải pháp thu hữu hiệu; đối với những trường hợp còn vướng mắc thì sớm báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Đồng thời, UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp tiết kiệm chi, cắt giảm 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020; hạn chế bổ sung các khoản chi ngoài dự toán.
-
Tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư
TP Hồ Chí Minh đang quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đã ký kết, đồng thời chủ động đề xuất, đưa ra các dự án kêu gọi đầu tư để đấu thầu công khai nhằm tránh nhũng nhiễu, tiêu cực…