10/07/2020 7:15 AM
TP Hồ Chí Minh đang quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đã ký kết, đồng thời chủ động đề xuất, đưa ra các dự án kêu gọi đầu tư để đấu thầu công khai nhằm tránh nhũng nhiễu, tiêu cực…

Một đoạn dự án đường song hành cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa bàn quận 2 đang thi công.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cho biết, thành phố đang quản lý 22 hợp đồng dự án đã ký kết với tổng mức đầu tư hơn 64 nghìn tỷ đồng; 166 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến gần 325 nghìn tỷ đồng và đang kêu gọi đầu tư 293 dự án ở các lĩnh vực giao thông, môi trường, giáo dục, y tế…

Thời gian qua, hình thức đầu tư PPP mang lại nhiều lợi ích trong việc quản lý, khai thác công trình, dịch vụ công cộng ở thành phố; hút nguồn vốn từ tư nhân để đầu tư phát triển hạ tầng, giải quyết nhu cầu vốn trong điều kiện ngân sách thành phố còn hạn hẹp. Tuy nhiên, hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến PPP còn nhiều, phức tạp với 15 luật và nghị định, 28 thông tư, trong đó, có một số quy định chưa rõ ràng, chưa nhất quán. Trong khi đó, thời gian hoàn thành các thủ tục đầu tư một dự án PPP theo quy định thông thường mất khoảng hai năm và phải trải qua năm bước. Ðiều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc thu hút đầu tư theo PPP.

Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HÐND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc thành phố triển khai tám dự án trọng điểm theo hình thức PPP đã góp phần giảm quá tải cho ngân sách thành phố, nhưng so với nhu cầu đầu tư, việc triển khai các dự án PPP còn chậm. Nguyên nhân khách quan là do pháp lý về các dự án này có sự thay đổi; về mặt chủ quan là do việc giải phóng mặt bằng và tái định cư kéo dài khiến chi phí quản lý, trượt giá tăng lên…, dẫn đến nhiều dự án đội vốn.

Dự án đường song hành cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây mặc dù khởi công đã lâu nhưng đến nay chưa thể hoàn thành do vướng mắc về mặt bằng. Chủ đầu tư sẵn sàng ứng vốn trước để thực hiện dự án nhưng UBND quận 2 và quận 9 vẫn chưa có mặt bằng để bàn giao. Hay như hai dự án cầu, đường Bình Triệu 2, giai đoạn 2 (quận Bình Thạnh) và cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Phú) cũng dừng thi công do vướng về mặt pháp lý. Với hai dự án này, thành phố đã chấp thuận chủ trương dừng hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) để chuyển qua dùng vốn ngân sách. Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố đang nghiên cứu hướng giải quyết để làm việc với nhà đầu tư về việc chấm dứt hợp đồng…

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của HÐND thành phố về việc chấp hành pháp luật trong quản lý đầu tư đối với các dự án trọng điểm được đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn thành phố mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết, trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp thì việc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP là giải pháp khả thi nhất cho việc phát triển hạ tầng tại thành phố. Ðể hoàn thành các dự án trọng điểm, thu hút mới nhà đầu tư, thành phố đã chỉ đạo rà soát lại từng dự án. Những dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đang trong giai đoạn "về đích" thì tiến hành bình thường; những dự án BT đã ký hợp đồng và đang triển khai dở dang tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 63/2018/NÐ-CP ngày 4-5-2018 của Chính phủ "Về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư" nhưng thanh toán theo Nghị định số 69/2019/NÐ-CP ngày 15-8-2019 của Chính phủ quy định "Việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao", nghĩa là phải đấu giá và báo cáo quỹ đất cho Thủ tướng Chính phủ. Còn những dự án đang có ý tưởng đề xuất thì ngưng lại.

Thực tế cho thấy, đầu tư theo hình thức PPP có nhiều ưu điểm, nhưng khi thực hiện cũng phát sinh nhiều khuyết điểm cần khắc phục. Ðiển hình, nguyên tắc của PPP là xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác quỹ đất dọc theo dự án, nhưng các nhà đầu tư làm dự án một nơi lại muốn được thanh toán đất chỗ khác. Ngoài ra, Chính phủ cho phép thanh toán bằng tiền hoặc đất, nhưng hầu hết các nhà đầu tư đều chọn đất vì chỉ 5 năm sau khi ký hợp đồng, đất đã có giá hơn rất nhiều, lãi suất ngân hàng không bằng. Ðiều này dẫn đến việc thanh toán cho các nhà đầu tư thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn…

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện nhiều giải pháp như: Tập trung chỉ đạo điều hành, họp giao ban định kỳ hai tuần/lần để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm. Ðến nay, thành phố đã lập xong danh mục các dự án mời gọi đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 863 nghìn tỷ đồng. Những dự án này sẽ được đấu thầu công khai, kêu gọi đầu tư chứ không để nhà đầu tư tự đề xuất. Thành phố cũng đang chuẩn bị một quy trình cụ thể cho từng loại hợp đồng khi thực hiện theo hình thức PPP, đồng thời kiến nghị Trung ương có quy trình để liên kết các bộ, ngành hỗ trợ các địa phương thực hiện các dự án PPP…

Vũ Nguyên (ND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.