TP HCM hiện có khoảng 476.000 hộ dân chưa có nhà ở ổn định hoặc vẫn sống chung với người thân. Theo tính toán, nhu cầu mua nhà ở xã hội của người dân thành phố đến năm 2020 sẽ là 81.000 căn.
Nhu cầu thì rất lớn, chủ trương của Nhà nước cũng rất “mở” đối với việc phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng nhà ở xã hội ở thành phố này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Công ty Cổ phần Vạn Thái Land vừa khởi công dự án nhà ở xã hội Topaz Home tại quận 12 với giá thuộc loại rẻ nhất TP HCM hiện nay. Vừa công bố ra thị trường, dự án chỉ có 450 căn, nhưng có tới hơn 500 hồ sơ đăng ký.
Toàn TP HCM đang có 70 dự án nhà ở thương mại với quy mô 10 ha trở lên. (Ảnh minh họa: KT)
Bà Bùi Nguyệt Nga, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Vạn Thái Land cho biết, để có ngày khởi công dự án này, doanh nghiệp phải trải qua nhiều quy trình thủ tục “trần ai”. Tuy nhiên, nếu càng để thời gian kéo dài thì doanh nghiệp càng thiệt hại nên phải “cố”.Trong khi đó, mức lợi nhuận của doanh nghiệp thì bị khống chế không quá 10%. Mặc dù lãi ít, nhưng Vạn Thái Land vẫn chấp nhận để phát triển dự án, bởi nhu cầu nhà ở của thị trường TP HCM là rất lớn.
“Hiện giờ không có những gói lãi suất hỗ trợ cho nhà ở xã hội. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn cố gắng thương lượng với ngân hàng đối tác để có lãi suất tốt nhất cho khách hàng, mặc dù không được tốt như khi có gói 30.000 tỷ”, bà Nga cho biết.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 tại TP HCM, nguồn quỹ đất gồm 19 dự án nhà xã hội cung cấp hơn 28.000 căn nhà do nhà nước quản lý; 19 dự án nhà xã hội cung cấp hơn 15.000 căn nhà được doanh nghiệp chủ động bồi thường, giải tỏa mặt bằng.
Toàn thành phố đang có 70 dự án nhà ở thương mại với quy mô 10 ha trở lên. Mỗi dự án này sẽ dành 20% diện tích để phát triển nhà ở xã hội với tổng diện tích khoảng 43 ha, dự kiến cung cấp 162.000 căn hộ. Cùng với đó, thành phố dự định sẽ bố trí ngân sách khoảng 19.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng khoảng 32.500 căn nhà ở xã hội.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Tp HCM thừa nhận, thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội hiện nay đang phải qua nhiều khâu, nhiều cửa. Tuy nhiên, một phần trong đó là do các Luật, Nghị định. Đó là điều lãnh đạo Sở Xây dựng rất băn khoăn.
“Một dự án hoàn thành phải mất ít nhất 2 năm chi phí đầu tư. Sở đã tiếp thu, lắng nghe để giải quyết có lý, có tình trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư, người dân và doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần địa ốc Hoàng Quân, hiện nay, Chính phủ và UBND thành phố đều có chủ trương rõ ràng để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề dẫn đến vướng mắc đối với doanh nghiệp khi làm nhà ở xã hội là nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Ngay như Công ty Cổ phần địa ốc Hoàng Quân, từ cuối năm nay đã phải chi tiền của chính doanh nghiệp mình để hỗ trợ lãi suất 6%/năm cho người mua nhà ở xã hội.
Việc Ngân hàng Chính sách Xã hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sắp xếp 1.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội là điều đáng mừng. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Xây dựng kết hợp với Ngân hàng Chính sách cùng các cơ quan liên quan huy động thêm nguồn vốn nhằm thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Đặc biệt, sau hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp lắng nghe, ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp và người dân để có cơ chế, tạo chuyển biến về nhà ở xã hội. Qua hội nghị này, các doanh nghiệp tin tưởng hơn vào chính sách hỗ của Nhà nước để mạnh dạn đầu tư vào phân khúc này.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần địa ốc Hoàng Quân cho rằng, nếu có gói tương tự như gói 30.000 tỷ thì nhà ở xã hội sẽ phát triển mạnh và ổn định hơn nữa. Nếu xây dựng hoàn chỉnh và đáp ứng được theo Luật nhà ở, theo Nghị định 100, doanh nghiệp sẽ tiếp tục dẫn đầu khu vực phía Nam về phân khúc nhà ở xã hội, hàng năm sẽ cung ứng cho người dân khoảng 10 ngàn căn hộ.
Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách hạn chế như hiện nay, giải pháp cần sớm xem xét là thúc đẩy việc xã hội hóa phát triển nhà ở xã hội tại TP HCM.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Nhà nước cần thực hiện cơ chế khấu trừ chi phí đền bù, giải tỏa mặt bằng trong khoảng 50-60% dựa theo bảng đơn giá đất tại thời điểm dự án được phê duyệt.Những dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất doanh nghiệp, cần có phương án, cơ chế và các chính sách ưu đãi trong bồi thường, hỗ trợ các dự án đã có tiến độ đền bù mặt bằng đạt 70-80% trở lên.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề xuất, lãnh đạo thành phố cần quan tâm, kiểm tra việc thực hiện mục tiêu đặt ra, không để lợi ích nhóm chen vào. Cần phải có sự thay đổi cách làm để cho người tiêu dùng có thể tiếp cận nhà ở xã hội dễ dàng hơn
TP HCM cũng cần bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội khi lập thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị. Thành phố có thể thành lập một đơn vị chuyên trách tham gia đầu tư xây dựng và quản lý trực tiếp quỹ nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần minh bạch hóa thông tin về các doanh nghiệp, dự án, những điều kiện cần và đủ để người dân biết và tham gia vào lĩnh vực này.