Không có chuyện người mua nhà phải nộp tiền sử dụng đất thay chủ đầu tư
Trong những ngày gần đây, nhiều báo, tạp chí đăng tải nội dung liên quan đến việc “Người mua nhà nộp tiền sử dụng đất thay chủ đầu tư” hay “Từ ngày 01/8, người mua chung cư phải nộp tiền sử dụng đất”.
Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người mua nhà cũng như gây hoang mang cho dư luận. Vì vậy, thông qua bài viết này, người viết hi vọng sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin chính xác nhất để ứng xử phù hợp.
Quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 45/2014/NĐ-CP “Trường hợp công trình nhà ở, công trình hỗn hợp nhiều tầng gắn liền với đất được Nhà nước giao đất cho nhiều đối tượng sử dụng thì tiền sử dụng đất được phân bổ cho các tầng và đối tượng sử dụng” cần phải hiểu là trong trường hợp công trình nhà ở, công trình hỗn hợp nhiều tầng gắn liền với đất được Nhà nước giao đất (theo khoản 7 Điều 3 Luật Đất đai 2013 là việc Nhà nước ban hành quyết định giao đất để trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất) cho nhiều đối tượng sử dụng. Trong khi đó, người mua nhà thuộc các dự án không phải là người được Nhà nước giao đất mà chỉ là người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ chủ đầu tư. Vì vậy, người mua nhà không phải là đối tượng điều chỉnh của khoản 3 Điều 4 Nghị định 45/2014/NĐ-CP và Điều 6 Thông tư 76/2014/TT-BTC.
Khởi công dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành
Bộ Giao thông Vận tải sẽ chính thức khởi công xây dựng dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành (gói thầu J2), dự án đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam vào ngày 19/7 tới đây.
Theo chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đường cao tốc Bến Lức-Long Thành có tổng chiều dài toàn dự án là 57,1 km đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và Đồng Nai, đây là dự án trọng điểm Quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc-Nam.
Dự án có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đặc biệt là khu vực kinh tế Đông Nam Bộ; khai thác thế mạnh và phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và tỉnh Đồng Nai.
Bộ trưởng Xây dựng: Môi giới bất động sản phải có bằng đại học
Sáng 15/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi. Cho ý kiến về quy định này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: Liệu có cần thiết phải quy định hành nghề môi giới bất động sản hay không? Có phải cấp chứng chỉ hành nghề này hay không?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, lĩnh vực môi giới bất động sản cần quản lý chặt chẽ hơn, bởi trên thực tế lực lượng “cò” đất nhiều nhưng môi giới đúng nghĩa lại ít.
Do vậy, Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi lần này phải quy định điều kiện để hành nghề môi giới: Ai sát hạch? Trình độ ra sao? Nếu quy định phải có bằng trung cấp trở lên thì là trung cấp gì mới được hành nghề? Không phải cứ có bằng trung cấp là được hành nghề môi giới.
Liên quan đến trình độ của người môi giới, ở các nước đều đưa ra những yêu cầu rất rõ ràng. Còn ở nước ta, theo quan điểm của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thì người hành nghề môi giới phải có trình độ đại học, chứ không phải chỉ là trung cấp. Bởi hiện nay chúng ta đang "phổ cập" đại học, thậm chí trên đại học cũng rất đông.
Lo người giả nghèo mua nhà thu nhập thấp
Chủ trương nhà thu nhập thấp có tính chất nhân văn cao, song một số chuyên gia cho rằng xác định lương cũng như tổng thu nhập thực của người dân là một bài toán rất phức tạp.
Câu chuyện bán nhà thu nhập thấp sai đối tượng một lần nữa lại được đề cập tại diễn đàn nhà ở do Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức ngày 10/7. Tiến sĩ Lê Đình Tri, nguyên Phó vụ trưởng Vụ kiến trúc Quy hoạch (Bộ Xây dựng) cho rằng mục tiêu tạo điều kiện cho người khó khăn tiếp cận dễ hơn với nhà ở là hết sức nhân văn. Tuy nhiên, hiện giá nhà tại một số dự án vẫn còn cao.
Thêm vào đó, ông Tri cho rằng thực tế đã có chuyện nhiều người mượn danh không có thu nhập để mua nhà. Thực tế này một phần do việc xác định người có thu nhập thấp là rất khó khăn, nếu chỉ căn cứ vào mức lương không phải nộp thuế thu nhập.“Khoản này ai cũng biết. Nhưng cái không phải là lương hay còn gọi thu nhập ngoài rất bí ẩn. Sợ nhất là người mua nhà có thể rơi vào nhóm người giả nghèo giả khổ”, ông Tri chia sẻ.
Đà Nẵng: Sống bên biển, không nhìn thấy biển
Tính ra đã gần 7 năm trời, những cư dân ở khu vực bãi biểnThanh Bình (Hải Châu, Đà Nẵng) đã không còn nhìn thấy mặt biển mỗi ngày nữa, dù họ vẫn sống ngay bên cạnh bãi cát đầy tiếng sóng. Đơn giản vì bờ biển ở đây đã bị che lấp bởi tường chắn của dự án phát triển đô thị quốc tế, mà không biết đến bao giờ mới hoàn công.
Dự án đang được nói đến là khu đô thị mới quốc tế Đa Phước (Daewon D – City) do công Ty TNHH Daewon Cantavil (Hàn quốc) làm chủ đầu tư, với số vốn đăng ký trên 250 triệu đô la Mỹ.
Tuy nhiên, cho đến nay, dự án này vẫn nằm im lặng, không hề có thêm thông tin nào. Điều đáng nói là đi cùng với hiện trạng ách tắc của một dự án đầu tư lớn, cư dân khu vực này phải chấp nhận nghịch cảnh “sống với biển mà không nhìn thấy biển” trong nhiều năm trời, và sẽ còn nhiều năm nữa.
Bộ Xây dựng lên tiếng về trách nhiệm vụ vỡ đường ống nước sông Đà
“Theo quy định của pháp luật đầu tư về xây dựng, thì việc tổ chức đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng thuộc về Chủ đầu tư - Tổng công ty Vinaconex và các nhà thầu có liên quan” – ông Lê Quang Hùng- Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình – Bộ xây dựng cho biết.
Là công trình vàng nghìn tỷ mang sứ mệnh “giải tỏa cơn khát” cho người dân thủ đô nhưng đến nay sau 6 năm đưa vào hoạt động đường ống nước sạch sông Đà đã bị vỡ tới 9 lần. Mỗi lần xảy ra sự cố gây mất nước ảnh hưởng đến khoảng 70.000 hộ dân thủ đô.
Nhận định về việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan, ông Hùng nêu rõ: Chúng ta cần phân biệt có 2 trách nhiệm, thứ nhất là trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như của nhà thầu thiết kế, thi công, Cty quản lý khai thác đối với công trình này. Nhà đầu tư và Cty quản lý khai thác nước Sông Đà có trách nhiệm phải thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký với các cty cấp nước sạch của Hà Nội. Trách nhiệm thứ 2 là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo việc cung cấp nước sạch cho người dân của TP.
Quá nhiều nỗi lo, đại gia tìm đủ đường thoát khỏi biệt thự
Cắm đầu cắm cổ, đầu tắt mặt tối, thậm chí là "hại não" lo đủ "chiêu" kiếm thật nhiều tiền để "tậu" cho mình những căn biệt thự cỡ bự đáng giá triệu đô, lẽ ra những đại gia - chủ nhân của những tòa nhà đồ sộ này phải kiêu hãnh và an tâm lắm. Tuy nhiên, thực tế có quá nhiều lí do khiến họ tìm mọi cách chỉ mong thoát khỏi chính ngôi nhà mà mình đã phải mất ăn mất ngủ mới mua được.
"Hai đứa con tôi một đứa đi du học, đứa còn lại cũng như vợ chồng tôi, sáng sớm rời khỏi nhà và chỉ về lúc khuya lắc khuya lơ. Nên nhà giao hết cho người giúp việc. Bởi vậy có hưởng tiện nghi gì ở cái villa này là ôsin nó hưởng, chứ tiếng là chủ nhân mà vợ chồng, con cái tôi có hưởng gì đâu. Qua camera, tôi thấy ôsin nó vào xông hơi, nó lao xuống hồ bơi, rồi nó mở máy lạnh nằm dài xem phim… mà thấy sao đời bất công, phi lý quá, mình làm chết xác để cho người giúp việc nó tận hưởng", bà V. kể
Trường hượp khác, ông Vỹ thổ lộ: như nhiều người thành đạt, ông cũng "sắm" căn nhà hoành tráng nhưng chẳng mấy khi ở, đã vậy mỗi tháng phải chi khoảng 20 triệu đồng để trả tiền người giúp việc, bảo vệ, tiền xử lý hồ bơi và nhiều chi phí khác cho căn nhà.