Là công trình vàng nghìn tỷ mang sứ mệnh “giải tỏa cơn khát” cho người dân thủ đô nhưng đến nay sau 6 năm đưa vào hoạt động đường ống nước sạch sông Đà đã bị vỡ tới 9 lần. Mỗi lần xảy ra sự cố gây mất nước ảnh hưởng đến khoảng 70.000 hộ dân thủ đô.
Sau lần vỡ thứ 6 vào ngày 26/4, Bộ Xây dựng đã yêu cầu kiểm tra toàn bộ đường ống dẫn nước sông Đà. Qua 2 tháng kiểm tra, Bộ Xây dựng đã đưa ra kết luận về nguyên nhân và phân định trách nhiệm đối với các bên liên quan. Bộ Xây dựng cũng khẳng định về trách nhiệm các bên sẽ tiếp tục được xác định cụ thể. Trong khi dư luận đang chờ đợi kết luận tiếp theo phân định trách nhiệm rõ ràng của Bộ Xây dựng thì ngày 10 – 12/7 đường ống sông Đà bị vỡ tới 2 lần.
Ngay sau lần thứ 9 xảy ra sự cố PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Hùng – Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình – Bộ xây dựng về vấn đề này.
Với tư cách là đơn vị Giám định chất lượng của Bộ Xây dựng, dư luận đặt ra vấn đề về vai trò của Cục Giám định tại dự án này. Trả lời về việc Cục có tham gia đánh giá, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng hay không ông Hùng cho biết: Tại thời điểm đó công tác quản lý chất lượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định 209 và theo quy định của Nghị định này thì toàn bộ các giai đoạn từ khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu do Chủ đầu tư tổ chức quản lý chất lượng, không có quy định về việc cơ quan quản lý nhà nước tham gia trực tiếp trong quá trình kiểm soát chất lượng thiết kế cũng như chất lượng thi công, nghiệm thu.
Cũng tại thời điểm trên, công trình này không thuộc danh mục công trình được Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra hay nghiệm thu.
Tuy nhiên, trách nhiệm chung về quản lý nhà nước các công trình xây dựng trên địa bàn thuộc chính quyền địa phương.
Vinaconex phải chịu trách nhiệm về chất lượng đường ống
Nhận định về việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan, ông Hùng nêu rõ: Chúng ta cần phân biệt có 2 trách nhiệm, thứ nhất là trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như của nhà thầu thiết kế, thi công, Cty quản lý khai thác đối với công trình này. Nhà đầu tư và Cty quản lý khai thác nước Sông Đà có trách nhiệm phải thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký với các cty cấp nước sạch của Hà Nội.
Trách nhiệm thứ 2 là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo việc cung cấp nước sạch cho người dân của TP.
Trong đó, vị Cục trưởng Cục giám định cụ thể: Đối với nhà đầu tư – tổng công ty Vinaconex cũng như nhà thầu thiết kế, thi công, nhà sản xuất đường ống, công ty vận hành tuyến ống phải chịu trách nhiệm về chất lượng đường ống, trách nhiệm về sự cố xảy ra, trách nhiệm về việc vận hành đường ống, trách nhiệm khắc phục sự cố và cấp nước theo đúng sơ đồ thiết kế. Nhà đầu tư có trách nhiệm tiếp tục đầu tư tuyến ống giai đoạn 2 theo đúng quy hoạch của Dự án này.
Về phía chính quyền địa phương là UBND TP Hà Nội cũng như Sở Xây dựng đã nhanh chóng vào cuộc, đưa ra các biện pháp hỗ trợ cấp nước cho các khu vực dân cư mất nước do tuyến ống bị sự cố cũng như các biện pháp phối hợp giữa các công ty cấp nước sạch để ứng cứu kịp thời.
Bên cạnh đó UBND TP Hà Nội cũng đã có chỉ đạo, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và tài chính để hỗ trợ cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện đầu tư xây dựng tuyến ống số 2.
Trách nhiệm của Bộ Xây dựng
Việc đường ống nước sông Đà vỡ đến lần thứ 9, nhiều người cũng đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Đối với vấn đề này ông Hùng cho biết: Dự án đầu tư xây dựng tuyến ống truyền tải nước Sông Đà về Hà Nội được Thủ tướng chính phủ cho phép đầu tư xây dựng tại văn bản số 1285/CP-CN ngày 24/9/2003, Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex đã ban hành các quyết định phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào cuối năm 2003 và đầu năm 2004.
Theo quy định của pháp luật đầu tư về xây dựng, thì việc tổ chức đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng thuộc về Chủ đầu tư – Tổng công ty Vinaconex và các nhà thầu có liên quan.
Tại thời điểm đó Tổng công ty Vinaconex không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng và Vinaconex đã được cổ phần hóa và được chuyển về cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thuộc Bộ Tài chính quản lý phần vốn nhà nước của doanh nghiệp này.
Trong khi xảy ra sự cố, Bộ Xây dựng với chức năng quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng cũng đã có ý kiến chỉ đạo đối với nhà đầu tư là Cty khai thác nước Sông Đà và các đơn vị liên quan của TP tìm mọi biện pháp để bảo đảm cung ứng nước sạch cho người dân.
Chuyện vỡ đường ống nước sông Đà đang trở thành “điểm nóng” của thủ đô. Hà Nội đã chỉ đạo không thể đưa người dân ra làm trò “đùa” và đưa ra yêu cầu khẩn cấp thi công hoàn thiện đường ống thứ 2 trong 2 tháng tới.
Bộ Xây dựng cũng đã lên tiếng về trách nhiệm của các bên liên quan chỉ có chủ đầu tư Vinaconex vẫn im lặng. Cho đến nay, sau 9 lần vỡ đường ống Vinaconex chưa một lần lên tiếng chính thức. Có lẽ đến lúc này thì sự lặng im của Vinaconex không chỉ là sự làm ngơ, thờ ơ đến vô trách nhiệm mà còn là sự coi thường các cơ quan chức năng có thẩm quyền?