CafeLand – Tuần qua, thị trường nhà đất ghi nhận một số thông tin nổi bật đáng chú ý sau: Thủ tục hành chính đất đai mới cắt giảm thủ tục, đề phòng… tố tụng; Đà Nẵng: Dự án bất động sản trung tâm bất động; "Sóng ngầm" ở chung cư Ehome2; Cuộc chơi đầy thách thức của Lotte Center Hà Nội;…

Thủ tục hành chính đất đai mới: Cắt giảm thủ tục, đề phòng… tố tụng

Cuối tháng 8, Bộ TN&MT công bố Bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai với nhiều quy định theo hướng lồng ghép các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, tài chính, loại bỏ các thủ tục con. Đáng chú ý, Bộ luật Đất đai mới cắt bỏ yêu cầu UBND cấp xã xác nhận tình trạng tranh chấp khi tiến hành cấp sổ đỏ.

Nhiều địa phương đã thực hiện thành công mô hình thí điểm văn phòng đăng ký đất đai một cấp (giảm một nửa thời gian làm thủ tục). Tuy vậy, đất vẫn được cấp sổ mà không cần xác minh tranh chấp, là nội dung “đáng bàn” nhất.

Và nay, theo nội dung chỉ đạo mới, đất sẽ được cấp sổ đỏ mà không cần xác minh tranh chấp (qua UBND cấp xã), rõ ràng sẽ là tin mừng cho cơ quan quản lý địa bàn gần dân nhất. Bởi lẽ, xác minh có tranh chấp đất đai trong địa hạt quản lý, thường dựa trên hồ sơ quản lý: lịch sử đất, thừa tự, nghĩa vụ thuế…

Phức tạp hơn, những địa bàn có tranh chấp về ranh giới địa chính (ở cấp tỉnh thành như Hà Nội và Hà Tây cũ nhiều năm trước, ở cấp xã phường như Quận Hoàng Mai có những hộ dân đóng thuế đất cho cả phường Giáp Bát lẫn phường Thịnh Liệt năm 2012).

Không nên “áp” vốn pháp định trong Luật Kinh doanh bất động sản

Đề nghị không nên quy định mức vốn pháp định trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) mà giao cho Chính phủ quy định cụ thể phù hợp với từng thời kỳ và phải linh động có thể thấp hơn chứ không nên quy định mức huy động vốn là 20 tỷ đồng trở lên.

Đó là một trong những nội dung được góp ý tại buổi lấy ý kiến dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tổ chức dưới sự chủ trì của Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Huỳnh Nghĩa và sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng các quận huyện.

Tại buổi lấy ý kiến nhiều đại biểu đề nghị cần quy định rõ tại điều 5 của dự thảo là bất động sản đưa vào kinh doanh là đất đai hay quyền sử dụng đất để thống nhất với Luật Đất đai.

Không thành lập được BQT chung cư: Thành phố phải chịu trách nhiệm

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trong vấn đề thành lập BQT (Ban quản trị) nhà chung cư chịu trách nhiệm cao nhất là UBND TP.

Theo quy định, nhà chung cư phải có Ban quản trị. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhà chung cư được đưa vào khai thác sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì tổ chức Hội nghị các chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư.

Tuy nhiên, trên thực tế đa số nhà chung cư hiện nay trên địa bàn Hà Nội chưa có BQT. Thậm chí, nhiều chung cư đã đi vào hoạt động nhiều năm cũng vẫn chưa thể thành lập được BQT.

Mới đây, UBND TP Hà Nội cho biết, đến nay toàn thành phố mới thành lập được 79 Ban quản trị nhà chung cư hoặc cụm nhà chung cư, đang quản lý 95 trong tổng số 478 tòa nhà cao tầng. Như vậy, tỷ lệ nhà chung cư thành lập được ban quản trị chỉ chiếm trên 10% cũng đồng nghĩa với việc hàng vạn hộ dân đang không có người đại diện cho chính mình.

Đà Nẵng: Dự án bất động sản trung tâm bất động

Chưa bao giờ tình hình địa ốc tại Đà Nẵng lại có cảnh tréo ngoe như hiện nay khi hầu hết các dự án bất động sản bên ngoài cấp tập chuyển dịch bởi yêu cầu phải bố trí xong đất tái định cư cho dân trước mùa mưa, còn các dự án khu vực trung tâm lại… yên tĩnh lạ thường.

Nhiều nhà đầu tư nhìn nhận, nghịch cảnh hoạt động của các dự án trong ngoài nội thị Đà Nẵng như vậy đều gắn với thái độ chỉ đạo của địa phương. Qua đó, không ít người tỏ nghi hoặc: phải chăng địa phương ưu ái hơn với các dự án đầu tư bên trong khu vực trung tâm cũ?

Giám đốc 1 sàn giao dịch tại quận Hải Châu nhìn nhận, suốt 8 tháng qua các dự án đầu tư bất động sản trung tâm Đà Nẵng đều… bất động thật. Từ khu vực bờ biển Thanh Bình với dự án Mặt trăng xanh, cho đến ngay giữa thành phố với “bộ ba đình đám” Đà Nẵng Center, Viễn Đông Meridian Tower, Golden Square, tất cả đều dường như say ngủ.

Tiêu biểu nhất là dự án khu phức hợp Đà Nẵng Center nằm ngay vị trí 3 mặt tiền Phan Chu Trinh – Hùng Vương – Nguyễn Thị Minh Khai do công ty cổ phần địa ốc Vũ Châu Long đầu tư từ tháng 3/2008, cam kết hoàn thành từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chỉ… “đào được một cái hố to”. Hình ảnh tòa tháp đôi 35 tầng tại đây, với số vốn công bố hơn 125 triệu đô la Mỹ hoàn toàn chỉ nằm trên giấy vẽ.

"Sóng ngầm" ở chung cư Ehome2

Nhiều người đang sống tại chung cư Ehome2 khu dân cư Nam Long (P.Phước Long B, Q9) đã đồng loạt kí đơn phản đối gay gắt cách làm việc của ban quản trị mới và công ty cung ứng dịch vụ My House (Nhà Tôi). Nhiều cuộc xung đột "miệng" đã xảy ra tại đây.

Chung cư Ehome 2 do công ty Nam Long làm chủ đầu tư với năm block nhà, khoảng 600 căn hộ, được đưa vào sử dụng từ năm 2009. Trước đây, ban quản trị do đại diện công ty đảm nhiệm. Đơn vị cung ứng dịch vụ gửi xe, giữ an ninh... là công ty dịch vụ Nam Long.

Sự việc khiến nhiều cư dân bức xúc một số thành viên ban quản trị mới trúng cử vào nhiệm kì mới 2014 - 2016, thay vì đại diện của cư dân để giám sát ban quản lý, nhưng đã có dấu hiệu vô trách nhiệm, tư túi...

Cụ thể ý định lắp barie là để tận thu, hơn là để giữ một môi trường sống tốt bấy lâu nay; đồng thời điều này sẽ khiến họ không thể buôn bán, cản trở kinh tế của nhiều gia đình sống cạnh lối vào. Vì sự phản ứng gay gắt này, việc lắp đặt barie vẫn chưa triển khai được. Ban quản trị còn thu phí 20 nghìn đồng với thẻ nhựa ra vào của cư dân là không hợp lý.

Cuộc chơi đầy thách thức của Lotte Center Hà Nội

Toà tháp 65 tầng khai trương trong bối cảnh nhiều trung tâm thương mại ế ẩm khiến giới quan sát cho rằng đây là một cuộc chơi rủi ro của chủ đầu tư Hàn Quốc

Tòa nhà cao thứ nhì thủ đô khai trương hôm nay, sau 5 năm khởi công xây dựng. Với tổng mức đầu tư 400 triệu đôla gồm các hạng mục khách sạn, căn hộ dịch vụ, văn phòng, trung tâm thương mại, tòa nhà 65 tầng mang hình chiếc áo dài Việt Nam được chủ đầu tư kỳ vọng sẽ là nơi sang trọng phục vụ khách VIP.

Lotte ra đời trong bối cảnh nhiều trung tâm thương mại cao cấp ế ẩm, Tràng Tiền Plaza đóng cửa để tái cấu trúc, Hòa Bình Green City miễn phí hoàn toàn 25.000 m2 sàn thương mại để kích cầu. Nằm ngay trên phố Liễu Giai (Hà Nội), ở một ví trí đắc địa nhưng tòa nhà thuộc diện cao cấp này sẽ phải "chiến đấu" với đối thủ đình đám như Keangnam, hay The Garden. Đưa ra nhiều hình thức như tặng voucher, quà khuyến mãi trong dịp khai trương, song trung tâm thương mại Lotter được đánh giá là chưa thực sự có những chính sách kích cầu mang tính chất “cách mạng”. Đối với những hóa đơn khủng hàng chục triệu đồng, giá trị khuyến mãi gói gọn trong vài trăm nghìn tới vài triệu. Tại cuộc họp ra mắt vừa qua, nhiều câu hỏi liên quan đến khả năng cạnh tranh với các đại gia đình đám trên được đặt nhưng phía chủ đầu tư đều khéo léo tránh không trả lời thẳng với lý do đại diện mảng trung tâm thương mại không có mặt.

Thịnh Châu (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.