Nhiều nhà đầu tư nhìn nhận, nghịch cảnh hoạt động của các dự án trong ngoài nội thị Đà Nẵng như vậy đều gắn với thái độ chỉ đạo của địa phương. Qua đó, không ít người tỏ nghi hoặc: phải chăng địa phương ưu ái hơn với các dự án đầu tư bên trong khu vực trung tâm cũ?
Trung tâm… “bất động”
Giám đốc 1 sàn giao dịch tại quận Hải Châu nhìn nhận, suốt 8 tháng qua các dự án đầu tư bất động sản trung tâm Đà Nẵng đều… bất động thật. Từ khu vực bờ biển Thanh Bình với dự án Mặt trăng xanh, cho đến ngay giữa thành phố với “bộ ba đình đám” Đà Nẵng Center, Viễn Đông Meridian Tower, Golden Square, tất cả đều dường như say ngủ.
Tiêu biểu nhất là dự án khu phức hợp Đà Nẵng Center nằm ngay vị trí 3 mặt tiền Phan Chu Trinh – Hùng Vương – Nguyễn Thị Minh Khai do công ty cổ phần địa ốc Vũ Châu Long đầu tư từ tháng 3/2008, cam kết hoàn thành từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chỉ… “đào được một cái hố to”. Hình ảnh tòa tháp đôi 35 tầng tại đây, với số vốn công bố hơn 125 triệu đô la Mỹ hoàn toàn chỉ nằm trên giấy vẽ..
Cả 2 dự án phụ cận là tòa tháp đôi Viễn Đông Meridian Towers được công bố sẽ cao nhất Đà Nẵng (48 tầng) công bố hoàn thành năm 2012 và dự án 4 mặt tiền Golden Square cũng xác định xây xong năm 2011 nhưng đến nay vẫn không có sự biến chuyển nào. Đại diện dự án Golden Square trao đổi cùng CafeLand, do chủ đầu tư dự án, công ty địa ốc Đông Á (Ngân hàng Đông Á) vẫn đang sắp xếp lại và chưa có chủ trương gì mới, nên dự án vẫn dừng lại ở phần móng và một phần tầng 1 dù đã làm xong hơn một năm trước.
Tháp đôi Viễn Đông trải qua đến ba kỳ chủ tịch thành phố vẫn trơ trơ đất trống. Ảnh: Nguyên Đức
Cách không xa 3 dự án này, là sân vận động Chi Lăng với dự án biến thành khu thương mại phức hợp Thiên Thanh. Dù được hoạch định khởi động mạnh từ tháng 8/2014, song sau sự cố nội bộ của Tập đoàn Thiên Thanh vừa qua vẫn chưa thấy có thêm khí sắc thay đổi nào. Các hộ dân nằm trong vành đai giải tỏa của dự án này đều bày tỏ, họ vẫn chờ đợi “lệnh di dời”, có điều không biết khi nào được ký.
Đi dọc hướng sông Hàn ra biển, người ta còn gặp dự án khu phức hợp Khách sạn Bạch Đằng với 2 tháp cao 20 và 28 tầng; dự án Khu phức hợp Foodinco Plaza dự kiến cao 22 tầng; dự án đô thị “mặt trăng xanh” Đa Phước rộng đến 210 hecta cùng hàng loạt dự án cao tầng khác, đều nằm trong tình trạng… “bất động”.
Thông cảm cho doanh nghiệp?
Trao đổi cùng báo giới, lãnh đạo chính quyền địa phương từng khẳng định, sự trì hoãn tiến độ của các dự án tại khu vực trung tâm Đà Nẵng trong nhiều năm qua là vô lý, khó chấp nhận được. Có dự án như Viễn Đông Meridian Towers trải qua đến ba kỳ chủ tịch thành phố (Nguyễn Bá Thanh, Hoàng Tuấn Anh, Trần Văn Minh) đốc thúc xây dựng, song vẫn chỉ nằm trên giấy.
Nhưng tại sao những trì trệ này vẫn tiếp tục, nhất là trong bối cảnh hiện nay, các dự án vùng ven Đà Nẵng, các khu đất bất động sản ven biển… đều được địa phương “chiếu cố”, yêu cầu cam kết triển khai nhanh? – một chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng ven biển Sơn Trà đặt câu hỏi khi chúng tôi đem vấn đề này ra trao đổi.
Đặc biệt mới đây, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng còn chủ trương lấy phần mặt bằng phía trên dự án đầu tư bãi xe ngầm Viễn Đông đã cam kết hoạt động từ năm 2012 để làm khu chợ tạm cho dự án đầu tư xây dựng mới chợ Hàn chưa hề diễn ra. Chợ này, cùng chợ Cồn vẫn đang là 2 dự án được Thành phố tìm kiếm nhà đầu tư và khả năng cuối năm 2014 mới khởi động.
“Vậy tại sao các dự án chưa có khả năng đầu tư lại có vẻ được thúc đẩy trước các dự án đã nằm lỳ nhiều năm? Vì sao thành phố không tập trung đôn đốc cho sân vận động Chi Lăng đầu tư làm khu phức hợp mà phải tính vào chợ Cồn? Vì sao bãi xe Viễn Đông lại thành nơi họp chợ tạm cho chợ Hàn sẽ sửa, dự kiến đến 2017 mới xong? Nói vậy thì dự án Viễn Đông sẽ còn nằm im đến 2020?”, chủ đầu tư này ấm ức nói.
Lời giải cho hiện trạng này, theo một quan chức địa phương, chỉ có thể là “châm chước” cho khó khăn của doanh nghiệp.
Bởi mặc dù có chậm tiến độ, nhưng các dự án trung tâm đều có vị trí rất quan trọng trong chỉnh thể quy hoạch và kiến trúc đô thị Đà Nẵng. Những thay đổi đi sau các động thái dịch chuyển chủ đầu tư, thay đổi mô hình dự án… nếu xảy ra, đều ảnh hưởng nhất định đến cảnh quan, kiến trúc khu vực.
Trong khi các chủ đầu tư vẫn cam kết duy trì dự án, nỗ lực chứng minh đang vượt các trở ngại, đa phần là do khách quan như khủng hoảng kinh tế khu vực, nội bộ biến động thì địa phương cũng đành “đao hạ lưu tình”.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư đánh giá, lý giải này chưa giải tỏa được những bức xúc trong tâm lý của họ. Đơn cử như ba dự án ngay trung tâm Đà Nẵng, bàn thân lãnh đạo địa phương cũng cho biết, dù nhiều lần mời các chủ đầu tư đến cam kết tiến độ nhưng suốt 8 tháng qua vẫn chưa có sự tiến chuyển nào.
“Phải chăng do họ là dự án lớn, nhà đầu tư lớn, giá trị kiến trúc lớn… nên có thể cứ thế nhìn nhau, trì trệ mãi không thôi?”, một doanh nghiệp môi giới bất động sản tại quận Hải Châu chất vấn.
-
UBND TP. Đà Nẵng vừa có chỉ đạo quan trọng để tháo gỡ khó khăn thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu đẩy mạnh các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn… trên địa bàn để tăng lượng sử dụng xi măng, sắt thép....
-
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp BĐS đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong....
-
Thành lập Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng
Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng cho biết, Bộ Chính trị vừa đồng ý chủ trương đối với Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Tr...