Thời gian qua thị trường Hà Nội bị vỡ tín dụng hàng loạt vụ. Mỗi vụ hàng trăm tỷ đồng. Vụ nào cũng liên quan đến bất động sản. Hàng ngàn người bị ảnh hưởng trực tiếp. Hàng chục ngàn người bị ảnh hưởng gián tiếp. Có người quy kết thẳng thừng lỗi do bất động sản. Vậy bất động sản có lỗi hay không?
Cuối tháng rồi tôi có đi tham dự đám cưới một người bác ở Hoàng Mai. Khi tiệc tàn quan khách ra về hết. Vì là chỗ thân thiết, tôi và vài người khác nán lại với chủ nhà. Ông dẫn mọi người qua khu đô thị Đền Lừ, giới thiệu lô đất liền kề mà cả đời hai vợ chồng ông dành dụm được, trước khi về hưu. Khách khứa trầm trồ thán phục.
Nếu đi vào bất cứ khu đô thị mới nào, chúng ta cũng bắt gặp những biệt thự xây thô bỏ hoang hay đất liền kề để trống. Chủ nhân của những biệt thự hoang hay đất trống phần lớn chính là những công chức như ông bác tôi nói trên. Họ mua đất không để ở mà với hy vọng nó sẽ sinh lời theo cấp số nhân. Ai cũng biết một câu đơn giản là đất đai thì hữu hạn, người thì ngày một đông, suy ra đất càng ngày càng có giá.
Đất đai dễ sinh lời thì sẽ có nhiều người lao vào. Vài năm trước gặp nhiều người hỏi anh làm gì, sẽ được trả lời: Anh làm ở cơ quan ABC, nhưng thu nhập chính là từ đầu tư bất động sản. Anh đầu tư thế nào? À, anh hỏi người quen có dự án nào sắp chào bán thì anh đặt cọc. Đặt xong rồi ai có nhu cầu thì anh bán lại. Hoặc anh gom tiền mua đất. Mua xong được giá lại bán. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Thực chất thì họ chỉ là những nhà đầu cơ, mua và mong cho giá lên. Việc này thì rất nhiều người làm được. Họ không hề làm tăng giá trị cho bất động sản. Muốn làm một nhà đầu tư bất động sản thì khó hơn nhiều. Nhà đầu tư bất động sản ít nhiều phải hiểu biết về quy hoạch, luật pháp, tài chính, xây dựng, thị trường..v.v...Điều này không hề dễ dàng với những tay ngang.
Đầu tư bất động sản không dễ, vậy tại sao nhiều người nhảy vào? Vì nó dễ sinh lợi. Mua xong đã có lời thì ai mà không ham. Mua nhiều lên thì lấy tiền đâu? Câu trả lời là đi vay. Vay lãi cao để dễ vay. Vay xong mua đất thì mới nhanh thu hồi vốn. Và người cho vay được lãi cao cũng ham lợi. Họ lại đi vay tiếp để cho vay. Cứ như vậy hệ thống tín dụng phình to ra. Khi giá nhà đất chững lại thì người vay (cũng là nhà đầu cơ) cầm cự. Cầm cự không nổi nữa thì vỡ...
Xảy ra những vụ vỡ tín dụng vừa qua lỗi không phải ở bất động sản. Lỗi ở LÒNG THAM CON NGƯỜI. Lỗi cả ở người cho vay và đi vay.
Bất động sản là nguồn lực quan trọng, chỉ sau con người. Con người phải mất thời gian đào tạo mới khai thác được chứ đất đai thì có thể khai thác được ngay. Hiểu đúng để có ứng xử đúng với đất đai.