CafeLand - Một nghiên cứu mới đây xác định rằng 19% dân số thế giới, chiếm 21% GDP toàn cầu, sẽ bị ảnh hưởng bởi sụt lún đất vào năm 2040. Tình trạng sụt lún có thể diễn ra đột ngột hoặc dần dần do sự biến mất của các vật chất ở bề mặt. Nghiên cứu này tập trung vào sụt lún do bơm nước ngầm ra khỏi các tầng chứa nước tại 200 địa điểm ở 34 quốc gia.

Tuy sụt lún không phải là hiện tượng mới nhưng đang ngày càng gia tăng ở mức báo động. Hạn hán, nước biển dâng và sự nóng lên toàn cầu kết hợp với việc thiếu các quy định về bơm nước ngầm và dân số ngày càng tăng sẽ tạo ra nhiều vấn đề trên toàn thế giới.

Hơn nữa, ngoài thiệt hại về bất động sản dân cư và thương mại, sụt lún có thể làm hỏng cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm hệ thống nước, chẳng hạn như đập và hệ thống dòng chảy, cũng như cầu, đường và đê - tất cả đều có nguy cơ quá tải do tác động của biến đổi khí hậu và thời gian sử dụng lâu ngày. Kết quả, như một số nghiên cứu đã đề xuất, đặt ra mối đe dọa lâu dài đối với lĩnh vực bất động sản trên toàn thế giới.

Phạm vi sụt lún đất trên toàn cầu

Bản đồ sụt lún đất hiển thị các khu vực đáng lo ngại trên toàn quốc, với California, Texas và Florida dẫn đầu bảng, mặc dù các khu vực đô thị như Denver và Albuquerque cũng có hiện tượng này. Đặc biệt, California, Texas và Florida nằm trong số các bang của Hoa Kỳ đã bị thiệt hại hàng trăm triệu đô la do sụt lún.

Khu vực Thung lũng Trung tâm ở California cho thấy một ví dụ rõ ràng. Đến những năm 1970, các khu vực tại đây đã sụt lún gần 30 feet, và sau đó chỉ được cải thiện ở mức vừa phải. Khoảng 75% lượng nước lấy từ các tầng chứa nước của khu vực này được dùng cho nông nghiệp; nhưng nhiều giếng trong số đó không được giám sát thích hợp, bất chấp các quy định của chính phủ đã được cải thiện.

Khu vực Houston-Galveston là một trong những nơi đông dân nhất ở Hoa Kỳ đang phải chịu tình tạng sụt lún. Việc bơm nước ngầm trong khu vực này đã dẫn đến sự sụt lún của khoảng 3.200 dặm vuông, một số nơi lún ở mức 1 foot hoặc hơn thế. Các thành phố khác như Fort Lauderdale, Miami và New Orleans cũng có nguy cơ tương tự. Những thành phố này đã bị tàn phá bởi các cơn bão, và biến đổi khí hậu chỉ làm các tác động thêm trầm trọng.

Ngập lụt là một mối đe dọa thường xuyên, trở nên tồi tệ hơn do mực nước biển dâng và sụt lún kết hợp, từ đó gia tăng thêm căng thẳng đối với cơ sở hạ tầng. Một nghiên cứu khoa học sau cơn bão Harvey năm 2017 cho thấy lũ lụt đã đẩy Houston sụt xuống thêm 2cm - cao hơn mức sụt lún 4cm mỗi năm trong vài năm trước đó.

Ngoài Hoa Kỳ, các quốc gia trên toàn cầu phải hứng chịu sự sụt lún và những ảnh hưởng của nó. Bất chấp hàng trăm năm kỹ thuật để quản lý đất dưới mực nước biển, Hà Lan vẫn tiếp tục chìm xuống dưới mực nước biển. Mexico, Trung Quốc và Ấn Độ cũng nằm trong nhóm đang sụt lún. Tuy nhiên, có lẽ ví dụ điển hình nhất là Indonesia, quốc gia đang có kế hoạch chuyển thủ đô từ Jakarta đến Borneo, vì Jakarta đã chìm sâu hơn 2,5 mét trong mười năm qua. Nhiều khu vực của Jakarta không còn an toàn để sinh sống - và các chuyên gia dự đoán rằng một số khu vực sẽ bị nhấn chìm hoàn toàn vào năm 2050. Jakarta là thành phố với 10 triệu dân, tất cả những người này cuối cùng sẽ cần phải di dời do tình trạng sụt lún.

Tại Việt Nam, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức quốc tế và trong nước đã có nhiều nghiên cứu về tình trạng sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng Đông Nam Bộ trong nhiều năm qua. Kết quả dù khác nhau song đều cho thấy xu hướng sụt lún đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Từ vài điểm nhỏ trên địa bàn bị biến dạng sụt lún, sau 20 năm thì tình trạng sụt mặt đất đã lan rộng khắp thành phố, tác động xấu đến cơ sở vật chất và đời sống của người dân. Thán 12/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh thông tin, thành phố này đang là địa phương có tốc độ sụt lún rất lớn, trung bình 4cm/năm, cá biệt có nơi lên đến 6-7cm/năm.

Có giải pháp lâu dài nào không?

Tin tốt là, trái ngược với biến đổi khí hậu, sụt lún đất là một vấn đề dễ giải quyết hơn nhiều và thường các giải pháp là ở cấp địa phương và khu vực. Vệ tinh và radar có thể nhanh chóng xác định các khu vực có nguy cơ sụt lún. Các chính sách và công cụ của chính quyền địa phương để giám sát và điều chỉnh việc rút nước ngầm đã có sẵn và đã được thử nghiệm.

Ví dụ, Tokyo đã trải qua mức độ sụt lún khoảng 24 cm một năm vào cuối những năm 1960, nhưng đã đưa ra các quy định về khai thác nước ngầm cho mọi mục đích và giải quyết vấn đề sụt lún của họ. Hơn nữa, nông nghiệp tiết kiệm nước đã được chứng minh là có hiệu quả ở nhiều vùng khí hậu khác nhau và có thể được thiết lập nhờ các quy định của chính phủ, các dự án đầu tư và công nghệ.

Các giải pháp đều giống nhau ở mọi nơi và bài học kinh nghiệm có rất nhiều. Các thành phố dễ bị tổn thương nhất bởi cả sụt lún và lũ lụt ven biển đã và đang được xây dựng lại. Các quy định hiệu quả về nước ngầm có thể được thiết lập ngay lập tức và phải là một phần trong các chiến lược chống chịu của khu vực. Các thành phố có khả năng phục hồi tốt hơn không chỉ có khả năng bảo vệ công dân của họ mà còn thu hút đầu tư tư nhân vì sự bền vững lâu dài hơn. Indonesia đang tìm cách chuyển thủ đô của mình vì họ buộc phải làm thế. Các thành phố khác nên chú ý và áp dụng các biện pháp bảo vệ thích hợp để đảm bảo rằng cộng đồng của họ sẽ không cần phải di rời như Indonesia.

Lam Vy (Triple Pundit)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.