Du Val PropTech có trụ sở tại Auckland đã bán khoảng 40 căn nhà trong hai dự án mới ở Anh cho người mua nước ngoài, trong đó có 10 căn từ Hồng Kông, kể từ khi ra mắt vào ngày 15 tháng 12. Công ty này sử dụng mô hình tương tự như của Groupon - càng nhiều người tham gia mua một số lượng căn nhất định của dự án, thì chủ đầu tư cung cấp chiết khấu càng cao.
Mặc dù chiết khấu là khác nhau giữa các dự án, nhưng mức chiết khấu lớn nhất mà một người mua cá nhân nhận được cho đến nay là 300.000 bảng Anh, tương đương 19,5% giá trị một căn hộ ở London.
“Đó là mô hình đôi bên cùng có lợi, cho cả người mua và nhà phát triển”, Ashley Osborne, Giám đốc điều hành của PropTech cho biết. “Các nhà phát triển chỉ cung cấp [một khoản chiết khấu tương đương với] chi phí họ bỏ ra để tiếp thị ở nước ngoài cho người mua và có thể đảm bảo số lượng căn tiêu thụ được qua một lần mở bán trực tuyến”.
Osborne, người từng làm việc cho Colliers International phục vụ những người Hồng Kông tìm mua bất động sản quốc tế, chỉ ra rằng gánh nặng lớn nhất đối với các chủ đầu tư bán hàng ở các thị trường khác là phải tổ chức các triển lãm bất động sản uy tín tại các khách sạn sang trọng.
Ví dụ, ở Hồng Kông, chi phí trung bình cho một sự kiện như vậy sẽ là 300.000 đô la Mỹ, bao gồm chuẩn bị tài liệu bán hàng và tiếp thị, tổ chức sự kiện, chi phí đi lại và hậu cần, thuê không gian sự kiện và quảng bá về sự kiện đó.
Nền tảng Du Val PropTech sử dụng dữ liệu bất động sản toàn cầu và một thuật toán để cung cấp định giá theo thời gian thực, dữ liệu về nhu cầu thị trường cho thuê và xu hướng lợi nhuận, cùng các công cụ phân tích và so sánh để cho phép các nhà đầu tư hiểu tất cả các chi phí và thuế liên quan đến khoản đầu tư của họ.
Tại Hồng Kông, các đại lý bất động sản có thể tính phí hoa hồng tới 18% giá trị của một bất động sản mới bán ở nước ngoài. Du Val PropTech kiếm tiền bằng cách tính phí các nhà phát triển chỉ 2% trên mỗi giao dịch và 80 đô la Mỹ phí thành viên hàng tháng cho các nhà đầu tư.
Nền tảng này đặt mục tiêu triển khai hai dự án mỗi tuần, một từ Vương quốc Anh và một từ New Zealand hoặc Úc, bắt đầu từ năm nay và hy vọng sẽ mở rộng số lượng thành viên từ 2.000 lên 25.000 vào cuối năm 2021.
Proptech, thuật ngữ chỉ các công nghệ bất động sản như trí tuệ nhân tạo, blockchain và dữ liệu lớn, đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ khi đại dịch làm gián đoạn việc đi lại và gây khó khăn cho việc tổ chức các buổi triển lãm bất động sản sản truyền thống trong khách sạn và sắp xếp các chuyến thăm nhà trực tiếp.
Ryan Black, người đứng đầu bộ phận kinh doanh nhà ở quốc tế tại Knight Frank cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến một sự chuyển đổi đáng kể sang trực tuyến vào năm 2020. Các giải pháp như thực tế ảo và thực tế tăng cường (AR) có thể cho phép khách thăm quan nhìn được toàn cảnh bên trong các bất động sản ở các quốc gia bên ngoài. Chúng đã giúp cải thiện mức độ tương tác với khách hàng và đóng một vai trò quan trọng khi các nhà đầu tư và nhà phát triển không thể di chuyển tự do”.
Knight Frank thường đạt được 40% doanh số bán bất động sản ở nước ngoài vào năm ngoái ngay trong hoặc sau các cuộc triển lãm. Thông thường, các sự kiện giới thiệu sẽ đóng góp 60% còn lại.
Các đại lý bất động sản cũng cho rằng sự nổi lên của proptech không có nghĩa là vai trò của nhân viên bán hàng đã chấm dứt.
“Proptech là một công cụ giúp cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn. Các giải pháp và cổng thông tin như vậy có thể hướng dẫn nhiều nhà đầu tư hơn với các chỉ dẫn dựa trên dữ liệu, và do đó thu hút nhiều sự quan tâm hơn đến các bất động sản ở nước ngoài”, Black nói.
“Sau đó, khi họ đến với chúng tôi, chúng tôi đưa cho người mua một bức tranh rõ ràng hơn về những gì họ cần và điều đó có thể giúp họ tìm ra một ngôi nhà phù hợp dễ hơn. Nhưng mua nhà không giống như mua quần áo”.
“Người mua vẫn cần được tư vấn chuyên môn và tiếp xúc thực tế với nhân viên bán hàng trước khi ký kết một thương vụ trị giá hàng triệu hoặc hàng tỷ đồng. Đó là sân khấu cho các đại lý”.
-
Năm 2021 sẽ là năm của các đại lý bất động sản biết ứng dụng công nghệ
CafeLand - Năm 2020 buộc một số ngành công nghiệp phải hiện đại hóa và áp dụng các công nghệ chưa được sử dụng nhiều. Đối với lĩnh vực nhà ở nói riêng, công nghệ đã giúp giải quyết nhiều thách thức mà COVID-19 đưa ra và cho phép ngành này không chỉ duy trì mà còn thịnh vượng.