Việc phát triển thêm khu vực đô thị mới ở phía Nam sẽ giúp giảm tải các áp lực đối với khu vực đô thị trung tâm Biên Hòa. Trong ảnh: Một khu dân cư mới tại P.Tam Phước (TP.Biên Hòa). Ảnh: L.Văn.
Bảo tồn “cái cũ” nhưng vẫn phát triển “cái mới”
Theo kiến trúc sư Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, xu hướng bảo tồn đô thị cũ và phát triển đô thị mới hiện là xu hướng chủ đạo trong quá trình phát triển đô thị trên thế giới cũng như ở trong nước.
Lấy ví dụ cụ thể nhất, ông Lý Thành Phương cho rằng, tỉnh Bình Dương trước đây đã từng mạnh dạn xây dựng một đô thị mới theo hướng hiện đại và đồng bộ về quy hoạch để thuận lợi hơn trong phát triển. Trong khi đó, đối với đô thị cũ Thủ Dầu Một, địa phương này ưu tiên hơn cho mục tiêu bảo tồn, tạo bản sắc riêng. Tương tự, tại nhiều đô thị khác, xu hướng bảo tồn phần đô thị truyền thống và ưu tiên phát triển các khu đô thị mới để đáp ứng nhu cầu về đời sống cho người dân cũng là xu hướng chủ đạo.
Theo quy hoạch mở rộng đô thị Biên Hòa về phía Nam, cấu trúc lưu thông của đô thị Biên Hòa khi mở rộng sẽ có 3 trục dọc gồm: trục đô thị dựa trên các tuyến đường hiện hữu là quốc lộ 51, Phạm Văn Thuận, quốc lộ 1 và đường Đồng Khởi, kết nối trung tâm các khu đô thị truyền thống và các khu đô thị mới ở phía Nam và phía Bắc Biên Hòa; trục sinh thái với việc tổ chức mới tuyến giao thông dọc theo bờ Đông của sông Đồng Nai xuyên suốt đô thị; trục kinh tế sẽ tổ chức tuyến giao thông mới ở phía Đông thành phố, kết nối các vùng phát triển công nghiệp tới cảng hàng không quốc tế Long Thành ở phía Nam. Đô thị Biên Hòa mở rộng cũng có 4 trục ngang đô thị gồm: quốc lộ 1K - Nguyễn Ái Quốc, quốc lộ 1 hiện hữu, quốc lộ 1 đoạn tránh TP.Biên Hòa và đường Tam Phước - Trảng Bom. |
Đối với đô thị Biên Hòa, hiện nay vẫn còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo. Trong đó, khu vực cù lao Hiệp Hòa hiện được đánh giá là một trong những nơi có nhiều công trình, di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo gắn liền với hành trình mở cõi đất phương Nam. Do đó, trong quá trình phát triển đô thị, việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo này cần đặc biệt được chú ý. Bởi đây chính là những “chất liệu” chủ yếu kiến tạo nên bản sắc riêng cho đô thị Biên Hòa.
Tuy nhiên, quá trình phát triển, gia tăng dân số đòi hỏi đô thị Biên Hòa cũng phải thay đổi, phát triển để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân. Để cân bằng được bài toán bảo tồn và phát triển, theo kiến trúc sư Lý Thành Phương, việc mở rộng đô thị Biên Hòa về phía Nam là hợp lý. Đối với đô thị trung tâm Biên Hòa, việc phát triển cần chú trọng đến mục tiêu cải tạo, chính trang để bảo tồn những giá trị truyền thống vốn có.
Giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm
Là đô thị trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước hiện nay, TP.Biên Hòa đối mặt với rất nhiều áp lực về nhà ở, giao thông, giáo dục, y tế… để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng nhận định, thành phố hiện có tốc độ đô thị hóa rất cao. Hằng năm, có hàng chục ngàn lao động di cư đến Biên Hòa đã khiến dân số thành phố tăng nhanh, gây áp lực lên hạ tầng, giải quyết việc làm, an sinh xã hội.
Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển hạ tầng cũng như các thiết chế văn hóa xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân lại gặp khá nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất khi đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trên địa bàn TP.Biên Hòa là chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn do giá đất đô thị tăng cao.
Hiện nay, nhiều tuyến đường trục trung tâm của đô thị Biên Hòa như: Phạm Văn Thuận, 30-4 có quy mô khá nhỏ. Tuy nhiên, việc đầu tư, mở rộng các tuyến đường này lại rất khó do chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn.
Từ thực tế trên, kiến trúc sư Lý Thành Phương cho rằng, để giảm áp lực cho khu vực đô thị trung tâm Biên Hòa, việc mở rộng, phát triển khu đô thị mới ở phía Nam là cần thiết. Bởi, tại khu vực này, dư địa đất đai để phát triển hạ tầng còn lớn, chi phí giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án cũng thấp hơn so với khu vực trung tâm. “Phát triển đô thị phải nhìn trên bài toán kinh tế đô thị. Làm một tuyến đường ở khu vực trung tâm chi phí xây dựng chỉ tốn 20% nhưng chi phí giải phóng mặt bằng lên đến 80% thì khó mang lại hiệu quả kinh tế” - ông Phương nêu quan điểm.
Khi khu vực đô thị mới phát triển, một hiệu ứng tất nhiên xảy ra là việc giãn dân từ khu vực đô thị trung tâm ra các khu đô thị mới sẽ diễn ra. Điều này sẽ góp phần giảm đi các áp lực mà khu vực đô thị trung tâm phải “gánh” bấy lâu nay. Mặt khác, khi dân số được giảm tải, các dịch vụ ở các khu đô thị mới phát triển thì giá đất ở khu vực đô thị trung tâm cũng sẽ “hạ nhiệt”. Từ đó, việc đầu tư cho các công trình phục vụ phát triển, chỉnh trang, cải tạo đô thị truyền thống cũng thuận lợi hơn.
-
Cầu lớn nhất trên tuyến Vành đai 3 nối Nhơn Trạch với TP.HCM sẽ đạt cột mốc quan trọng trước Tết Nguyên đán 2025
Cầu Nhơn Trạch nằm trên tuyến Vành đai 3 TP.HCM nối huyện Nhơn Trạch với TP. Thủ Đức (TP.HCM) dự kiến sẽ được hợp long toàn bộ trước Tết Nguyên đán 2025. Đây là cây cầu có quy mô lớn nhất thuộc dự án Vành đai 3....
-
Mạng lưới cao tốc, vành đai, đường sắt kết nối với sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ được đầu tư như thế nào?
Để phát huy tối đa hiệu quả khai thác của sân bay quốc tế Long Thành, một mạng lưới giao thông kết nối với sân bay này đã và sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới.
-
Hãng thép 50 năm tuổi tại miền Nam sắp được rót thêm vốn để xây nhà máy tại Đồng Nai, quy mô dự án gấp 2,6 lần vốn chủ
Dự án nhà máy sản xuất thép cán xây dựng, bổ sung công đoạn luyện phôi thép với công suất 150.000 tấn/năm của Thép Nhà Bè được xây dựng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai....