05/10/2023 3:27 PM
Chiều 4/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, nhu cầu và khả năng hấp thụ, tiếp cận tín dụng của các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Ảnh minh hoạ.

Thông tin tại Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, với nhiều nỗ lực, tăng trưởng tín dụng chung toàn quốc đã có chuyển biến, tháng sau cao hơn tháng trước, đến 29/9/2023 tăng trưởng tín dụng tăng 6,92% so với cuối năm 2022, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao.

Theo Phó Thống đốc, trong những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhiều quốc gia vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì xu hướng tăng lãi suất; giá dầu tăng cao, xung đột, thiên tai, biến đổi khí hậu… tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa và dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam cũng chịu những tác động lớn từ bên ngoài. Trong bối cảnh trên, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô trong và ngoài nước, thời gian qua, NHNN đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng thực hiện các giải pháp để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn vay.

Phó Thống đốc cho biết, tăng trưởng tín dụng chung toàn quốc đã có chuyển biến, tháng sau cao hơn tháng trước. Tính đến 29/9/2023 tăng trưởng tín dụng tăng 6,92% so với cuối năm 2022, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao.

“Mặc dù vậy tín dụng vẫn tăng chậm hơn năm ngoái, điều này do rất nhiều nguyên nhân rất cần được phân tích, đánh giá cụ thể để có giải pháp phù hợp”, Phó Thống đốc đánh giá.

Theo Phó Thống đốc, Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị - xã hội của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng Trung du miền núi với vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và có bước phát triển.

Trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng tại tỉnh Thái Nguyên đạt 15,8%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm của tỉnh là 3,92%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành (5,56%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (10,85%).

Theo đó, Phó Thống đốc đề nghị, với tinh thần đồng hành, chia sẻ, Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là cơ hội để lắng nghe và trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn trong việc tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng. Từ đó cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn vay dễ dàng và hiệu quả hơn trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN thông tin, riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tính đến ngày 30/9/2023 dư nợ cho vay đạt khoảng 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,51% so với 31/12/2022.

Kết quả trên cho thấy, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có sự tăng trưởng khá, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, bất động sản. Tuy nhiên, so với các năm trước thì đây vẫn là mức thấp.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DNNVV; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản…

Vì vậy, trong thời gian tới, để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, đại diện NHNN cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo TCTD tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trọng tâm là Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống NHTM, các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu. Tích cực rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng…

  • Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc là rủi ro tín dụng lớn nhất trên toàn cầu

    Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc là rủi ro tín dụng lớn nhất trên toàn cầu

    Theo kết quả một cuộc khảo sát với các nhà quản lý quỹ trong tháng 9 của Bank of America, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc nhiều khả năng là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn nhất với tín dụng toàn cầu, đồng thời cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư với nên kinh tế toàn cầu, ngoại trừ Trung Quốc, đang được cải thiện.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.