Các ngân hàng cho biết, tăng trưởng dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm nay tương đối chậm và kỳ vọng sẽ được cải thiện trong 2 quý còn lại của năm để có thể hoàn thành được chỉ tiêu tương đối khiêm tốn trong năm 2010.
Thế nhưng, do ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công Hy Lạp tác động đến hoạt động của DN xuất khẩu sang thị trường châu Âu nên nhu cầu vốn dự báo sẽ khó tăng cao ở 2 quý cuối năm.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô lớn cho rằng, áp lực lãi suất hiện nay cũng là rào cản đối với DN trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, đó không phải là lý do chính khiến DN e ngại tiếp cận vốn. Điều quan trọng là hàng hóa sản xuất ra có tiêu thụ được hay không.
"Nếu so với lãi suất cho vay vốn trong năm 2008, có thời điểm lên đến 17 - 18%/năm thì hiện lãi vay thỏa thuận chỉ còn khoảng 2/3 con số này.
Song tại thời điểm ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay cao trong năm 2008, dư nợ tín dụng vẫn tăng, vì đầu ra sản phẩm tiêu thụ tốt hơn so với hiện nay", vị tổng giám đốc trên nói.
Còn ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ước đến giữa tháng 6/2010, dư nợ tín dụng của Ngân hàng tăng khoảng 7 - 8% so với đầu năm nay.
Theo ông Thanh, lãi suất cho vay thỏa thuận của Vietcombank đã từng bước giảm dần và mức thấp nhất đến thời điểm này còn 12 - 13%/năm được áp dụng cho các khách hàng tốt nhất.
Tuy nhiên, trước khó khăn của một số thị trường xuất khẩu, DN e dè vay vốn khiến dư nợ tín dụng khó tăng trưởng cao. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng xây dựng cho năm 2010 ở mức 18 - 20% so với năm trước, Vietcombank cũng khó vượt chỉ tiêu.
Tại Eximbank, tốc độ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay cũng tương đối chậm. Theo lãnh đạo ngân hàng này, so với cùng kỳ năm trước, tín dụng tăng rất thấp. Thậm chí, dư nợ tín dụng của Ngân hàng còn giảm so với cuối năm 2009 và hiện Eximbank đang cố gắng để lấy lại mức dư nợ cuối năm trước.
Tương tự như một số ngân hàng khác, dư nợ cho vay vốn bằng ngoại tệ của Eximbank ước 6 tháng đầu năm tăng khoảng 70% so với cuối năm trước. Điều này cho thấy, nhu cầu vốn bằng ngoại tệ của DN tiếp tục chiều hướng tăng, nhằm tránh áp lực lãi suất tiền đồng.
Bên cạnh các ngân hàng phải chật vật huy động tiền gửi, hiện có không ít nhà băng quy mô lớn đang dư thừa vốn khả dụng và tăng cường đẩy mạnh cho vay. Song trước những khó khăn của thị trường và phải đảm báo đúng quy định trong quản lý rủi ro, các ngân hàng không thể mạnh tay chi vốn và luôn chọn lọc dự án tốt mới cho vay.
Vì thế, dù lãi suất cho vay trên liên ngân hàng hiện chỉ khoảng 7 - 8%/năm,nhưng các ngân hàng đang dưa thừa vốn khả dụng cũng phải tận dụng để cho vay trên thị trường này.
Các nhà lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận, để kích thích được tăng trưởng dư nợ tín dụng bằng tiền đồng, lãi suất cho vay thỏa thuận phải giảm thêm. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi trước hết là phải cắt giảm được chi phí huy động tiền gửi.
Lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng trong tuần qua lại có chiều hướng nhích nhẹ so với tuần giữa tháng 6/2010. Mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi cao nhất hiện nay khoảng 11,65 - 11,7%/năm áp dụng tại Eximbank, VPBank, WesternBank… Nhưng nhìn chung lãi suất đầu vào vẫn xoay quanh mức 11,5%/năm.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho rằng, xu hướng lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới. Cạnh tranh huy động vốn không còn nóng như đầu năm nay (khi có một số ngân hàng đã vay vốn trên thị trường 2 - liên ngân hàng với tỷ lệ cao nên phải tăng cường huy động để cân đối).
Còn hiện nhu cầu vốn của ngân hàng trên thị trường 2 đã giảm. Do đó, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ điều chỉnh thêm, tạo điều kiện tốt hơn cho DN tiếp cận vốn ngân hàng.
Theo Thống đốc NHNN, so với thời điểm thị trường ổn định năm 2006 - 2007, lãi suất cho vay hiện tại chỉ cao hơn khoảng 1%/năm nên khả năng dư nợ tín dụng sẽ tốt hơn trong thời gian tới và thực tế trong tháng 6/2010 đã được cải thiện đáng kể.
Cafeland.vn
theo ĐTCK