26/08/2011 1:15 AM
Phiên giao dịch đêm qua (25/8), giá vàng hợp đồng giao sau tăng nhẹ trở lại, bởi sự đi xuống của thị trường chứng khoán và những tin đồn về Đức có thể trở thành nước tiếp theo bị hạ bậc nợ công, gây ra một cơn hoảng loạn mới trên các thị trường hàng hóa.
Tin đồn, xung lực mới của thị trường vàng?
Chưa rõ những tin đồn này có đúng không, nhưng cũng đã tác động mạnh tới trạng thái tâm lý của giới đầu cơ.

Chốt ngày giao dịch, giá vàng giao tháng 12 tăng nhẹ 5,9 USD/ounce, tương ứng 0,3%, lên 1.763,20 USD/ounce trên sàn Comex ở New York. Tuy nhiên, phần lớn thời gian giao dịch trong ngày, đường dịch chuyển của giá vàng hợp đồng này đều theo chiều đi xuống.

Giá giao dịch thấp nhất trong ngày là 1.705,4 USD/ounce, giảm 187 USD từ mức cao kỷ lục 1.891,90 USD/ounce xác lập hôm đầu tuần, 22/8.

Hôm qua, các thị trường hàng hóa rộ lên tin đồn rằng nền kinh tế Đức có khả năng bị hạ bậc tín niệm nợ công. Cả ba tổ chức định mức tín nhiệm, gồm Moody's, Standard & Poor's và Fitch, đều đang xếp hạng tín nhiệm của nền kinh tế lớn nhất châu Âu ở mức cao nhất.

Chưa rõ những tin đồn này có đúng sự thực hay không, nhưng theo chuyên gia Bill O'Neill thuộc hãng tư vấn Logic Advisor, điều này cũng đã tác động mạnh tới trạng thái tâm lý của giới đầu cơ trên thị trường, trước khi có câu trả lời cuối cùng.

Trên thực tế, thị trường vàng tăng nóng thời gian qua, cũng xuất phát từ sự bất an của giới đầu cơ về khả năng xuống dốc của nền kinh tế Mỹ và khu vực châu Âu, khi ngày càng có nhiều ý kiến dự báo về một cuộc suy thoái mới.

Mới đây, Viện nghiên cứu Ifo tại Munich cho biết, chỉ số theo dõi hoạt động kinh doanh của Đức đã giảm xuống 108,7 điểm trong tháng 8, từ mức 112,9 điểm trong tháng 7, thấp nhất kể từ tháng 6/2010.

Chỉ số DAX của thị trường chứng khoán Đức đã suy giảm gần 25% kể từ cuối tháng 7. Hôm 16/8, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết, tăng trưởng kinh tế của nước này chỉ đạt mức 0,1% trong quý 2 so với 1,3% trong quý 1.

Kathy Lien, giám đốc đầu tư của GFT, cho biết, giá vàng đã tăng mạnh 25% trong vài tuần gần đây, phản ánh những lo lắng của thị trường về các vấn đề tài chính, triển vọng kinh tế và lạm phát của thế giới, nhưng quan trọng nhất là niềm tin vào USD đã giảm sút.

Những bất an này đã làm lu mờ ảnh hưởng tích cực từ bản báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) công bố một ngày trước đó cho thấy, nhu cầu ôtô và máy bay tăng mạnh đã giúp số đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền tăng 4% trong tháng 7.

Theo CBO, nhu cầu ôtô và linh kiện tăng 11,5%, mức tăng cao nhất trong 8 năm, còn đơn đặt hàng máy bay tăng tới 43,4%. Sản lượng công nghiệp của Mỹ tăng 0,6% trong tháng 7. Hoạt động chế tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế Mỹ.

Báo cáo cũng cho biết, thâm hụt ngân sách Liên bang sẽ ở mức 1.280 tỷ USD trong năm tài khóa hiện nay (kết thúc ngày 30/9), giảm nhẹ so với hai năm trước, nhưng vẫn là mức thâm hụt cao thứ ba trong vòng 65 năm.

CBO nhận định trong thập kỷ tới, tổng mức thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ giảm 3.300 tỷ USD, nếu thực hiện các biện pháp nhằm giảm chi 917 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ yêu cầu trong thỏa thuận về nâng trần nợ công được thông qua hồi đầu tháng.

Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2021, thâm hụt ngân sách Liên bang sẽ chiếm trung bình 4,3% GDP, thấp hơn mức 8,5% của tài khóa hiện nay.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, trong 10 tháng đầu của tài khóa này, tổng thâm hụt ngân sách Liên bang của Mỹ là 1.100 tỷ USD. Thâm hụt ngân sách sẽ còn lớn hơn nếu chính sách ưu đãi thuế từ thời cựu Tổng thống George W. Bush dự kiến hết hạn vào cuối năm nay được gia hạn thêm.

CBO cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn yếu trong vài năm tới, ở mức 2,3% trong 2011, 2,7% trong 2012 và tăng lên mức trung bình 3,6%/năm trong thời gian từ 2013 đến 2016. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 9,2% trong năm nay xuống còn 8,5% vào quý 4/2012.

Theo Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện, Paul Ryan, những nhận định về tương lai kinh tế Mỹ của CBO một lần nữa khẳng định việc chi tiêu tốn kém trong vài năm qua không đưa tới sự phát triển kinh tế hoặc tăng thêm việc làm.

Trong khi, hạ nghị sỹ Chris Van Hollen, nghị sỹ hàng đầu của đảng Dân chủ trong Ủy ban Ngân sách Hạ viện, lại cho rằng báo cáo đã nêu bật sự cần thiết trong việc kết hợp một cách cân bằng các biện pháp tạo việc làm với giảm thâm hụt ngân sách.

Một yếu tố khác ban đầu cũng được dự báo sẽ tác động tốt tới chứng khoán, nhưng kết quả cuối cùng lại khá hời hợt, là thương vụ trị giá 5 tỷ USD mua cổ phần ngân hàng Bank of America của tập đoàn Berkshire Hathaway, công ty nhà của tỷ phú huyền thoại Warren Buffett.

Hôm qua, Berkshire Hathaway công bố kế hoạch đầu tư 5 tỷ USD mua 50.000 cổ phiếu ưu tiên của Bank of America, ngân hàng lớn nhất của Mỹ. Bank of America có quyền mua lại các cổ phiếu này bất cứ lúc nào với lãi suất 5%.

Tỷ phú Buffett tỏ ra rất tự tin về thương vụ, khi khẳng định, "rất ấn tượng với khả năng tạo lợi nhuận của ngân hàng này, họ đã nỗ lực rất nhiều để đẩy lùi thách thức. Nhà băng đã tập trung vào khách hàng và phục vụ họ rất tốt. Đó là điều khách hàng cần".

Vụ mua cổ phiếu trị giá 5 tỷ USD của tập đoàn Berkshire Hathaway sẽ là lá phiếu tín nhiệm dành cho Bank of America, khi mà cổ phiếu của nhà băng này đã bốc hơi gần 30% giá trị. Phiên hôm qua, cổ phiếu của Bank of America tăng mạnh hơn 9%.

Song thương vụ đình đám trên không giúp ích được gì nhiều cho các cổ phiếu tài chính khác trên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch đêm qua. Chỉ số ngân hàng KBW chốt phiên vẫn giảm nhẹ 0,2%.

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tin đồn, thị trường vàng nhích nhẹ trở lại phiên đêm qua, còn bởi CME, công ty mẹ của các sàn giao dịch năng lượng và kim loại chính tại Mỹ, nâng tỷ lệ ký quỹ đối với đối với hợp đồng vàng tương lai Comex 100 thêm 27% lên 9,450 USD/hợp đồng.

Ông Brien Lundin, biên tập viên của Gold Newsletter, nhận xét: “Việc nâng tỷ lệ ký quỹ giao dịch vàng sau một đợt lao dốc mạnh tác động đến các nhà đầu cơ giá lên nhiều hơn là các nhà đầu cơ giá xuống. Chúng tôi dự báo động thái này có thể đem lại đà phục hồi cho giá vàng”.

Trong khi đó, cũng có những nhận định chuyên môn cho thấy nền kinh tế châu Âu đang khó khăn thực sự. Chẳng hạn, hôm 24/8, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan cảnh báo, đồng Euro đang sụp đổ và kéo theo sự trì trệ của kinh tế Mỹ.

“Đồng Euro đang sụp đổ và tiến trình này tạo ra những khó khăn đáng kể cho hệ thống ngân hàng của châu Âu”, ông Greenspan cho biết.

Ông Greenspan cho rằng, sự suy giảm ở châu Âu đang làm ảnh hưởng tới giá trị cổ phiếu và lợi nhuận của các công ty Mỹ, bởi châu Âu là thị trường lớn của Mỹ, chiếm 20% xuất khẩu của Mỹ và 20% doanh thu từ các chi nhánh công ty Mỹ ở nước ngoài.

Theo cựu Chủ tịch FED, ông không lo ngại nguy cơ kinh tế Mỹ trở lại suy thoái, mà lo về sự mất ổn định của nền kinh tế Mỹ. Ông cho rằng, gánh nặng nợ nần, tỉ lệ thất nghiệp cao cùng với những bế tắc chính trị mới là điều đáng lo ngại nhất đối với kinh tế Mỹ.

Trên thực tế, quan điểm của ông Greenspan cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia phân tích khác. Theo nhà phân tích Michael Feroli ở JPMorgan Chase, kinh tế Mỹ khả năng sẽ tăng trưởng chỉ 1% trong nửa cuối năm nay, sau khi đạt mức tăng 0,8% trong nửa đầu năm.

Ông Greenspan khẳng định, vàng không ở trạng thái bong bóng. “Vàng là một loại tiền tệ, không giống như các hàng hoá khác. Nhu cầu về vàng tăng cao không phải là do đây là thứ đồ trang sức, mà là người ta tìm lối thoát cho một hệ thống tiền giấy đang bị suy thoái”, ông nói.
Theo Diệp Anh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.