Nhiều NH đã công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, phần lớn đều thuộc nhóm I, II |
Ông Nguyễn Bá Anh – Giám đốc Công ty TNHH ACB (Cống Vị - Ba Đình - Hà Nội) thở phào nhẹ nhõm khi NH công ty vẫn vay vốn lâu nay nằm trong số nhà băng được tăng trưởng tín dụng ở mức 17% trong năm 2012. "Như thế nghĩa là "cửa" vay có thể dễ dàng hơn một chút" – ông Bá Anh nói.
Thực tế, kể từ khi NHNN chính thức công bố sẽ xếp hạng tăng trưởng tín dụng theo 4 nhóm (tương ứng các mức 17%, 15%, 8% và không được tăng trưởng) nhiều khách hàng là doanh nghiệp đang có ý định vay vốn tại NH "thấp thỏm lo âu". Nếu NH họ gửi gắm hồ sơ có được mức chỉ tiêu tăng trưởng cao, đồng nghĩa cơ hội vay lớn hơn. Ngược lại, chẳng may NH rơi vào nhóm thấp, cửa vay sẽ hẹp lại, thậm chí không có.
"NH bị hạn chế "room" tăng trưởng tín dụng, doanh nghiệp lại phải mất công làm lại thủ tục hồ sơ, chờ thời gian thẩm định, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, nếu đang cần vốn để giải quyết tình thế trước mắt" – Giám đốc một công ty chuyên sản xuất mặt hàng chăn ga- gối đệm tại Hải Dương lý giải.Cho tới hôm nay, lần lượt hơn 20 NH đã "bật mí" về xếp hạng chỉ tiêu phân bổ tăng trưởng tín dụng của NH mình. Những NH đã nhận được con số chỉ tiêu chính thức đều ngay lập tức triển khai ngay kế hoạch kinh doanh để có mức tăng phù hợp.
Chỗ thấp thỏm lo âu
Tuy nhiên, khi hơn nửa số NHTM đang rình rang “khoe” chỉ tiêu tín dụng cao của mình, số ít NH còn lại sẽ được hiểu là NH nhóm III – IV, nhóm NH yếu kém.
Dù tán thành với việc phân loại tăng trưởng tín dụng theo "sức khỏe" của 4 nhóm nhưng ông Trương Thanh Đức - Phó tổng giám đốc NHTMCP MaritimeBank vẫn tỏ ra hơi thất vọng khi lần này NHNN không công bố công khai số NH nhóm yếu. "NHNN nên công khai danh sách từng nhóm, cả tốt - xấu để thị trường minh bạch, chứ không nên nửa kín, nửa hở. Từ đó hướng tới công khai bảng xếp hạng NH"- ông Đức nói.
Tổng giám đốc một NHTMCP cỡ vừa tại Hà Nội thổ lộ, tới thời điểm này NH vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ NHNN. Nếu theo quy định thì có thể NH này sẽ thuộc nhóm 1, nhưng cũng chưa lấy gì làm chắc chắn, bởi thực tế có những NH mức tài sản lớn vẫn được quy vào nhóm 2.
Ngoại trừ những NH "nắm chắc mười mươi" sẽ nằm ở nhóm 1 (dù chưa được nhận thông báo) thì cũng có những NH không thuộc nhóm G12 cũng "lọt" vào hàng top trên, như NHPhát triển nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long (MHB), NH Đông Nam Á (SeABank) ... đã gây bất ngờ trong giới tài chính. Rõ ràng, cách xếp hạng của NHNN năm nay không còn theo cách phân loại A-B-C-D như năm ngoái, mà đã có sự linh hoạt hơn, dựa sát theo tiêu chí: tỷ lệ an toàn vốn, tài sản đảm bảo; quản trị điều hành rủi ro, chất lượng tài sản nợ - có...
"Trong giới NH vẫn biết tăng trưởng tín dụng năm nay chắc chắn thấp hơn năm ngoái. Nhưng thông tin chính thức từ NHNN đến càng sớm càng tốt, NH sẽ đỡ lo hơn và còn triển khai kế hoạch kinh doanh của cả năm"- vị này tiết lộ.
Giám đốc chi nhánh NHTMCP nhỏ vừa tăng vốn điều lệ cuối năm 2011 cho biết, có thêm vốn và cổ đông chiến lược chắc chắn NH ông sẽ không bị liệt vào nhóm "cửa tử" – nhóm IV, mà có thể là nhóm III. Tăng trưởng ít - 8%, cũng là cơ hội để NH củng cố lại các dịch vụ chăm sóc khách hàng, phát triển mạnh mảng NH điện tử - vốn là thế mạnh của nhà băng này ngay ngày đầu thành lập. "Mọi dự đoán không có gì là chính xác, cứ phải cầm thông báo trên tay mới thở phào được" - vị giám đốc nọ nói giọng không giấu vẻ lo lắng.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, hiện "có khoảng mươi NH yếu kém", nhưng số này không được công khai danh tính mà NHNN gửi trực tiếp danh sách tới từng NH. Chính điều này đã khiến dư luận đua nhau "đoán già đoán non" về số ít NH yếu này. Theo giải thích của Phó thống đốc Tiến, "mươi" không phải là "mười", nên có khả năng số lượng NH yếu vượt con số 10 như phỏng đoán lúc đầu, mà có thể là hơn.
Từ nay đến hết quý I/2012, danh sách từng NHNN sẽ được gửi về tới từng tổ chức tín dụng. Khi các NH nhóm I, II đã lộ diện, thì chắc chắn số còn lại, dù cố giữ kín thông tin tới mức nào cũng sẽ "phanh phui" danh tính.
Ngược lại, ông Phí Đăng Minh – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) là việc làm "khôn ngoan" trong thời điểm nhạy cảm này. "Quá trình này sẽ khiến thị trường tài chính sàng lọc được sức khỏe của từng TCTD. Sau một thời gian qua "trát tín dụng" những anh nào yếu sẽ dần lộ diện, tái cơ cấu lại hệ thống NH vì thế cũng đẩy nhanh hơn" – ông Minh nhận xét.