26/01/2013 9:55 AM
Theo số liệu mới nhất được Bộ Xây dựng công bố, thị trường bất động sản đang ế ẩm chưa từng có. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, số căn hộ đã hoàn thành nhưng không bán được lên tới hàng chục nghìn căn. Hiện nay, hơn 111.000 tỷ đồng đang “chết” trong bất động sản.

Chào bán căn hộ tại dự án trên phố Trương Định, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội)

Cả trăm nghìn tỷ đồng “chôn” vào nhà đất

Ngày 23-1, Bộ Xây dựng cho biết, từ đầu năm 2012, thị trường bất động sản (BĐS) khó khăn, giá nhà sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường. Số lượng giao dịch không nhiều. Một số dự án không có giao dịch...
Thị trường trầm lắng dẫn đến tồn kho BĐS và các loại vật liệu xây dựng tăng rất nhanh. Tổng hợp chưa đầy đủ của 50 địa phương cho thấy, về nhà ở, hiện còn tồn kho 42.230 căn nhà (26.444 căn hộ và 15.786 nhà thấp tầng). Tương tự, văn phòng cho thuê tồn kho 92.800m2 sàn; trung tâm thương mại tồn 98.407m2; đất nền nhà ở tồn 7.922.485m2... Ước tính, giá trị tổng lượng vốn tồn kho 111.963 tỷ đồng. Tại Hà Nội, theo báo cáo của 13 chủ đầu tư đã tồn kho 5.875 căn nhà, 5.459m2 mặt bằng thương mại, văn phòng; giá trị tồn kho 14.070 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng thừa nhận, những con số bi đát nêu trên thậm chí còn chưa phản ánh được tình hình thực tế, bởi nhiều nhà chung cư đang xây dựng dở dang, đã huy động vốn một phần, nhiều dự án đã GPMB, đã đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng nhưng phải dừng do không có thị trường, các nhà đầu tư thứ phát đã mua nhưng không bán được cho người tiêu dùng... Vì vậy, số vốn tồn đọng trong BĐS thực ra còn lớn hơn nhiều so với số liệu báo cáo.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng BĐS đến 31-10-2012 là 207.595 tỷ đồng, tăng 3,6% so với thời điểm 31-12-2011. Tuy nhiên, số liệu về dư nợ tín dụng BĐS của Ngân hàng Nhà nước chưa tính đến các khoản vay tiêu dùng khác nhưng thực chất được đầu tư vào BĐS, cũng như dư nợ có tài sản bảo đảm bằng BĐS còn chiếm khoảng 46,5% tổng dư nợ tín dụng. Nợ xấu chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ BĐS, nhưng đại đa số doanh nghiệp nợ BĐS khó có khả năng thanh toán khi đến hạn do không bán được sản phẩm.

Ấm dần phân khúc nhà ở bình dân

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, sắp tới, Bộ Xây dựng khẳng định, sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường. Cụ thể, với các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn thì tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân... Các dự án thương mại đã GPMB, chưa xây căn hộ, có thể xem xét chuyển sang thành nhà ở xã hội, phục vụ đa dạng đối tượng thu nhập thấp.

Các ngân hàng thương mại Nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu 3% tổng dư nợ) để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp. Ngân hàng Nhà nước dành từ 20 - 40 nghìn tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước để phục vụ cho vay đối với các đối tượng nêu trên.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện miễn, giảm thuế đối với một số loại hình BĐS. Chẳng hạn, áp dụng thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất với thuế suất 10% (hiện nay đang là 25%) với doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cũng đề nghị giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở thương mại đối với những căn hộ dưới 70m2 sàn sử dụng và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 sàn sử dụng, trong thời hạn 12 tháng, kể từ 1-7-2013...
Xác định vấn đề niềm tin của người dân đối với thị trường trong thời điểm này là rất quan trọng, Bộ Xây dựng kêu gọi phản ánh một cách khách quan, đúng tình hình để tạo sự đồng thuận và ổn định tâm lý của các tổ chức kinh tế, người dân về thị trường BĐS. Bộ Xây dựng cho biết, gần đây, thị trường BĐS đối với phân khúc nhà ở bình dân ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu ấm dần lên.

  • “Lấy đất của người chết bán cho người sống” làm… căn hộ

    “Lấy đất của người chết bán cho người sống” làm… căn hộ

    Toàn bộ nghĩa trang Ao Đường (xã Hoàng Văn Thụ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) nằm trong quy hoạch, phải di dời để thực hiện dự án di dân Đền Lừ III và đấu giá quyền sử dụng đất...

  • Giải cứu bất động sản hay là lại “thổi bóng”?

    Giải cứu bất động sản hay là lại “thổi bóng”?

    Dẫu hầu hết các chuyên gia đều cho rằng việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, là việc mà Chính phủ không thể không làm, nhưng hiện có không ít ý kiến băn khoăn. Vì với một lĩnh vực hiện đang còn tồn tại quá nhiều “góc khuất” như thị trường bất động sản, thì việc giải cứu, không cẩn trọng, sẽ chỉ là đổ tiền cứu nhà giàu và thổi lại bong bóng bất động sản mới, nền kinh tế không thu được lợi gì và cả người dân cũng vậy.

Chính Trung (An ninh Thủ đô)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.