Do ảnh hưởng của giá thép tăng cao cùng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm của cả nước trong tháng 4/2022 sụt giảm đáng kể so với tháng trước.

Mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố báo cáo về tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022.

Trong tháng 4/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt gần 3 triệu tấn, giảm 11,3% so với tháng trước và giảm 1,1% so với cùng kỳ 2021. Tiêu thụ thép các loại đạt hơn 2,4 triệu tấn, giảm 22,5% so với tháng trước và giảm 15,6% so với cùng kỳ.

Tính chung 4 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm của cả nước đạt 11,4 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong kỳ, sản lượng bán hàng thép thành phẩm đạt 10,6 triệu tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,46 triệu tấn, tăng 9,4%.

Về tình hình xuất khẩu, theo số liệu của VSA cho thấy, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam trong quý đầu năm 2022 đạt hơn 2,28 triệu tấn thép, giảm 22,15% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD tăng 12,53% so với cùng kỳ năm 2021.

Được biết, ASEAN tiếp tục là thị trường xuất khẩu thép truyền thống của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 40,57%. Đáng chú ý, xuất khẩu sắt thép sang thị trường EU tăng trưởng vượt bật, đứng thứ 2 thị phần với 19,32%. Các thị trường khác lần lượt là Hoa Kỳ với 8,34%; Hàn Quốc là 6,97% và Hồng Kông là 3,91%.

Ở chiều ngược lại, sản lượng nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam trong quý 1 đạt 1,1 triệu tấn với kim ngạch đạt 1,14 tỷ USD, tăng 23% về lượng và tăng 22,36% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Mới đây, sau chuỗi tăng liên tiếp từ đầu năm, nhiều thương hiệu thép nội địa địa như Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức, Thái Nguyên… thông báo điều chỉnh giảm giá thép từ ngày 11/5 với mức giảm từ 300.000 - 920.000 đồng/tấn.

Sau giảm giá, mức giá mới của hai sản phẩm là thép cuộn CB240, thép thanh vằn D10 CB300 rơi vào khoảng 18,1 - 19,1 triệu đồng/tấn.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định ngành thép Việt Nam còn khá hạn chế do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, một số nhà máy sản xuất có công suất nhỏ, lạc hậu...

Cụ thể, các doanh nghiệp ngành thép trong nước còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite… Do đó, khi giá các nguyên liệu đầu vào biến động sẽ làm giá thép thành phẩm trong nước cũng phải điều chỉnh theo thị trường thế giới.

Bộ Công Thương cho rằng ngành thép trong nước đang mất cân đối giữa phát triển thượng nguồn và hạ nguồn. Cụ thể, các sản phẩm sau thép như tôn mạ kẽm, thép ống tăng trưởng tốt về giá trị sản xuất và xuất khẩu. Trong khi đó, các chủng loại thép hợp kim, đặc biệt là thép cuộn cán nóng HRC có nhu cầu lớn, song năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên dẫn đến tiếp tục phải nhập khẩu với số lượng lớn.

  • Giá sắt thép đang dần hạ nhiệt

    Giá sắt thép đang dần hạ nhiệt

    Sau chuỗi tăng liên tiếp từ đầu năm, giá thép xây dựng trong nước bắt đầu hạ nhiệt, giảm xuống còn 18,1-19,1 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn khoảng 3,5% so với giá trung bình trong quý 4.2021.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.