Nhà ở xã hội đang là vấn đề ”nóng”, cả trên bàn nghị sự của Quốc hội cũng như ngoài xã hội. Mặc dù hàng loạt hỗ trợ cho nhà ở xã hội, đặc biệt là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã bắt đầu được triển khai, Quốc hội cũng đang đặt vấn đề giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho nhà ở xã hội, những thông tin khá tích cực từ Bộ Xây dựng cũng cho thấy mức độ quan tâm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Thế nhưng, trên nhiều diễn đàn, ý kiến của các doanh nghiệp và cả người dân bộc lộ không ít băn khoăn.

Tại Hội nghị tổng kết Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản do Bộ Xây dựng tổ chức tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM vừa qua, nhiều ý kiến vẫn cho rằng để phát triển nhà ở xã hội cần có thêm sự tiếp sức từ phía nhà nước đối với phân khúc nhà ở này.

Mối băn khoăn lớn nhất của người mua hiện nay vẫn là giá nhà ở xã hội còn cao, tương đương hoặc thấp hơn không đáng kể với nhiều dự án nhà ở thương mại đang giảm giá cắt lỗ. Băn khoăn này đã được ông Nguyễn Văn Minh (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) lý giải, giá nhà ở xã hội vẫn cao là do, mặc dù đã được miễn tiền đất 100% nhưng quỹ đất sạch thường không có sẵn, các dự án vẫn phải chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, lãi suất vay vốn hiện được ưu đãi với mức 9%/năm nhưng để tiếp cận được nguồn vốn này không dễ, đó là chưa kể nguồn vốn của ngân hàng cũng không đảm bảo cung ứng đủ.

Đại diện một số doanh nghiệp lớn đang triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội như Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD, Tổng Công ty Xây dựng Vinaconex, Tổng Công ty Viglacera đều đồng tình cho rằng thủ tục và điều kiện để được vay vốn ngân hàng hiện còn quá khó khăn và kiến nghị Bộ Xây dựng cần phối hợp với các bộ ngành liên quan xem xét xây dựng các cơ chế hỗ trợ cụ thể hơn, tích cực hơn.

Ví dụ, cần có quy định thế chấp bằng dự án hình thành trong tương lai để có cơ sở vay vốn, có quy định về tỷ lệ vốn vay của ngân hàng, quy định về tiền sử dụng đất đối với các diện tích công cộng, kinh doanh mang tính phục vụ trong nhà ở xã hội, quy định về tỷ lệ 20% diện tích sàn trong tổng mức đầu tư được phép sử dụng làm công trình tiện ích phục vụ đời sống sinh hoạt động đồng dân cư… Những quy định này đều có liên quan chặt chẽ đến giá thành nhà ở xã hội.

Đặc biệt, đại diện các doanh nghiệp đang triển khai các dự án nhà ở xã hội cũng cho rằng, các chính sách về miễn giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp hiện chưa có nhưng theo phương án đề xuất chỉ miễn, giảm 50% thuế VAT thì chưa tạo điều kiện thuận lợi mà đề nghị miễn 100% thuế VAT.

Cũng để tiếp sức cho nhà ở xã hội, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, với việc xác định phát triển nhà ở xã hội là chương trình lâu dài gắn với chiến lược phát triển nhà ở, với việc huy động đa dạng nguồn lực để phát triển nhà ở xã hội thì không nên quy định quá chặt chẽ về đối tượng được mua, được vay vốn mua nhà ở xã hội, có thể không có nhà ở hoặc chỉ cần đang ở quá chật chội, có thu nhập ổn định là đủ.

Bên cạnh đó, quy định về hộ khẩu mua nhà cũng cần được nới lỏng bởi thực tế nhiều người thuộc diện thu nhập thấp hiện đang làm việc trong đô thị nhưng vẫn đang có hộ khẩu ở ngoại thành.

Như vậy, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng vẫn chủ trì, tham mưu Chính phủ để bổ sung thêm nhiều quy định nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội.

Chủ đề: Thuế nhà đất,
Minh Duy (Sài Gòn giải phóng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.