Sự nhiêu khê trong việc yêu cầu xác nhận nhà ở và thu nhập khiến người dân khó tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỉ. Ảnh: Dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị Việt Hưng (Hà Nội). Ảnh: Giang Huy
Ngân hàng “làm khó” người nghèo
Một người dân ở quận Thủ Đức cho biết: “Gia đình tôi có 6 nhân khẩu, sống ở tập thể diện tích khoảng 30m2. Tôi là người kinh doanh cá thể (bán nước giải khát) tại quận Thủ Đức. Theo quy định, tôi thuộc diện được vay hỗ trợ theo gói 30.000 tỉ đồng lãi suất 6%/năm. Gia đình tôi đã tìm được 1 dự án chung cư trên địa bàn quận có diện tích 56m2 với giá khoảng 11 triệu đồng/m2 nên đã liên hệ 2 chi nhánh của BIDV và VietinBank để xin vay, nhưng cả hai đều không giải quyết vì yêu cầu tôi phải xác nhận thu nhập thấp trong khi tôi kinh doanh cá thể nên không biết cơ quan nào xác nhận thu nhập cho mình...
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - cho biết: “Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Xây dựng, khách hàng khi đến vay vốn ưu đãi nhà ở không yêu cầu phải có xác nhận thu nhập thấp. Khách hàng cần chứng minh về thu nhập để bảo đảm cho phương án trả nợ theo quy định về quy trình tín dụng của ngân hàng. Nếu có đầy đủ điều kiện và các giấy xác nhận theo mẫu quy định tại thông tư 07/2013/TT-BXD và thông tư 11/2013/TT-NHNN thì khách hàng thuộc đối tượng được vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Qua buổi giao lưu trực tuyến, vướng mắc nổi cộm chính là việc xác nhận tình trạng nhà ở. Một người dân phản ánh: “Tôi làm trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tôi đến BIDV- chi nhánh Tây Sài Gòn để làm thủ tục vay mua căn hộ đã ký thỏa thuận giữa chủ dự án BIDV-chi nhánh Tây Sài Gòn. Các thủ tục về giấy tờ khác tôi đều đáp ứng. Chỉ vướng ở phụ lục 2-TT07/BXD: Xác nhận tình trạng nhà ở và hộ khẩu. Hiện tôi đang sống chung với chị gái (nhà của chị) và có hộ khẩu tại quận Tân Phú. Khi tôi ra phường đề nghị xác nhận theo phụ lục 02, phường chỉ xác nhận là căn nhà tôi đang ở không thuộc sở hữu của tôi. Tuy nhiên, khi qua bên BIDV - chi nhánh Tây Sài Gòn lại không đồng ý với nội dung xác nhận ấy, họ yêu cầu là xác nhận: Chưa có nhà ở và hiện đang sống chung với chị gái. Tôi về yêu cầu UBND phường xác nhận lại theo BIDV, UBND phường không đồng ý, với lý do UBND phường không thể quản lý hết sở hữu nhà của cá nhân (không có nhà ở phường này, nhưng có nhà ở nơi khác làm sao họ biết được?). Đến đây thì tôi đành bỏ cuộc, với hơn 1 tháng trời chạy tới chạy lui giữa ngân hàng và UBND phường".
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh: “Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã phản ánh bằng văn bản vấn đề vướng mắc này đến UBND TPHCM và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có hướng chỉ đạo, giải quyết vướng mắc, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi”.
Cách xác nhận tình trạng nhà ở
Một người đặt câu hỏi: “Tôi công tác tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, tôi đã thuê nhà để ở gần 5 năm nay tại phường 5, quận 3. Tôi làm hồ sơ xin vay tiền mua căn hộ dự án Khang Gia - Tân Hương tại quận Tân Phú, TPHCM. Tôi đến chi nhánh của Vietcombank thì được yêu cầu bổ sung giấy xác nhận của đơn vị công tác hoặc của UBND xã, phường nơi có hộ khẩu thường trú về thực trạng nhà ở. Tôi đến phường thì được trả lời rằng phường không quản lý thực trạng nhà ở nên phường không đồng ý xác nhận, vậy tôi phải xác nhận ở đâu? Theo quy định tôi đủ điều kiện được vay, nhưng do những quy định về thủ tục không rõ ràng làm khó cho chúng tôi...".
Chung cư Đông Hưng Thuận 2 - một trong những dự án nhà xã hội ở TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Quỳnh Mai |
Theo ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - thủ tục xác nhận đủ điều kiện vay vốn “Đối với các đối tượng là: Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp; viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập; lực lượng vũ trang nhân dân thì cơ quan nơi đối tượng đang công tác xác nhận về nơi công tác và thực trạng về nhà ở theo mẫu quy định tại phụ lục 1, thông tư số 07/2013/TT-BXD và phải chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận của mình, không yêu cầu xác nhận về điều kiện thu nhập”. Do đó, cơ quan nơi bạn đang công tác có trách nhiệm xác nhận về nơi công tác và thực trạng về nhà ở của bạn và phải chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận của mình.