15/12/2012 6:24 PM
Không năng lực tài chính, cũng chẳng được cấp giấy phép đầu tư nhưng chủ dự án ma đã lập hồ sơ thế chấp vay vốn. Phát hiện chủ dự án bội tín, nạn nhân kiểm tra lại mới hay khu đất thế chấp là vùng đất phèn ở Đồng Tháp Mười.

DỰ ÁN QUY MÔ, CHỦ ĐẦU TƯ THIẾU NĂNG LỰC

(CATP) Để mở rộng việc đào tạo nghề cho thanh niên vùng sâu vùng xa, năm 2008 UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất Bộ Giáo dục - Đào tạo thành lập Trường Trung cấp bách khoa Tân Phước. Năm 2009, bộ có văn bản gởi UBND tỉnh đồng ý đề xuất trên. Trong khi cơ quan chức năng lập thủ tục kêu gọi đầu tư thì Công ty cổ phần kinh doanh bất động sản và dạy nghề Lê Toàn (gọi tắt là Công ty Lê Toàn, trụ sở tại phường 6, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) do ông Lê Văn Toàn làm giám đốc nhận đầu tư. Theo đó, công ty lập tổng giá trị của dự án lên đến 1.212 tỷ đồng, lấy địa bàn ấp 3, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước làm địa điểm xây trường.

Đất Tân Phước vừa trũng vừa phèn nhưng vợ chồng ông Toàn sau khi hợp thức hóa đã mang thế chấp vay số tiền lớn

Theo lãnh đạo địa phương, thời gian này vợ chồng giám đốc Toàn đến nơi thực hiện dự án chuyển nhượng 20ha đất của người dân với giá khoảng 6 tỷ đồng. Những lúc gặp gỡ chính quyền, ông Toàn “nổ như pháo”: Trường Trung cấp bách khoa Tân Phước sẽ hoạt động giai đoạn 2011-2012, quy mô đào tạo 1.800 học viên với 14 ngành nghề. Đây sẽ là ngôi trường bề thế nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng từ khi nhận dự án, phía Lê Toàn không có động thái gì ngoài những lời “lên mây” với chính quyền sở tại. Sau khi các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang kiểm tra năng lực chủ đầu tư, ngày 18-11-2011 Phó chủ tịch UBND tỉnh có công văn khẳng định: Nhà đầu tư không chứng minh được năng lực thực hiện dự án, chưa có phương án tài chính khả thi, điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội của khu vực không phù hợp với việc thực hiện dự án. Trước lý do trên, UBND tỉnh Tiền Giang không đồng ý cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án cho Công ty Lê Toàn.

Nhưng bất chấp kết luận trên, ngày 20-2-2012 ông Toàn vẫn phát lệnh khởi công và cho đối tác san lấp mặt bằng. Công an xã Thạnh Tân và huyện Tân Phước yêu cầu phía Lê Toàn ngừng thi công nhưng công ty không chấp hành, tiếp tục san lấp và làm đường dẫn vào công trình. Ngày 26-9-2012, UBND huyện Tân Phước có văn bản yêu cầu Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Tài nguyên - Môi trường, công an huyện, UBND xã Thạnh Tân... phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai... đối với tổ chức, cá nhân đang san lấp mặt bằng tại một số thửa đất ở ấp 3, xã Thạnh Tân do vợ chồng ông Toàn đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước sự quyết liệt của chính quyền địa phương, ngày 29-9-2012 Công ty Lê Toàn mới chịu dừng thi công.

CHIẾM ĐOẠT TIỀN TỶ DỄ NHƯ TRỞ BÀN TAY

Tiếp xúc với phóng viên, cán bộ UBND xã Thạnh Tân không giấu được bức xúc. Thực ra ông Toàn gấp rút san lấp mặt bằng không phải để thực hiện dự án mà có ý đồ chiếm dụng tiền tỷ của cá nhân, doanh nghiệp và đã có Nhiều người gởi đơn tố giác. Ngay ngày phát lệnh khởi công, ông Toàn ký hợp đồng san lấp mặt bằng với Công ty TNHH xây dựng thương mại Thái Tâm (xã Trung An, TP. Mỹ Tho) với giá trị 151 tỷ đồng, thời gian thực hiện 370 ngày. Trước đó, phía Lê Toàn cũng ký hợp đồng san lấp mặt bằng với Công ty TNHH tư vấn - nghiên cứu công nghệ nước Nam Việt (trụ sở tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TPHCM) với trị giá gần 91 tỷ đồng. Theo hợp đồng đã ký kết, Công ty Lê Toàn tạm ứng thanh toán cho hai đối tác 12 tỷ đồng. Thế nhưng do quá tin tưởng vào quy mô dự án, hai công ty trên đã cho ông Toàn ứng ngược lại tiền ký quỹ gần 2,5 tỷ.

Theo đơn tố giác của ông Trình Minh Huệ - Giám đốc Công ty Thái Tâm, khi ký hợp đồng với ông Toàn, công ty không biết dự án chưa có giấy phép đầu tư. Phía Thái Tâm đã san lấp mặt bằng theo thỏa thuận đã ký. Ngày 17-8-2012, công ty tiến hành san lấp thì hàng chục người yêu cầu ngừng thi công theo quyết định hủy bỏ hợp đồng do giám đốc Toàn ký ngày 1-8-2012. Xem thường pháp luật, ông Toàn không thanh toán khối lượng phía Thái Tâm đã thực hiện cũng như trả lại số tiền công ty ký quỹ. Nhiều lần ông Huệ gọi điện thì giám đốc Toàn không nghe máy. Quá bức xúc, ông Huệ làm đơn tố giác.

Thông tin chúng tôi nắm được, toàn bộ 12 sổ đỏ tại ấp 3, xã Thạnh Tân sau khi đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vợ chồng ông Toàn đã thế chấp cho ông Lương Thiện Thành (ngụ P. Hòa Thạnh, Q. Tân Phú, TPHCM) để vay 17,5 tỷ đồng, lãi suất 2,5%/tháng. Trong giấy mượn tiền đề ngày 30-10-2011, ông Toàn cam đoan sau 60 ngày nếu không hoàn trả đủ vốn lẫn lãi thì vợ chồng ông sẽ ra công chứng chuyển quyền cho phía ông Thành. Nhận tiền xong, ông Toàn bội tín. Ông Thành bỏ bê công việc đến dự án thì hỡi ơi, đó chỉ là một khu đất phèn mặn tại vùng sâu vùng xa Đồng Tháp Mười khiến vợ chồng ông Thành phải lánh mặt các chủ nợ. Rõ ràng lợi dụng quy mô dự án, ông Toàn đã có dấu hiệu chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhiều nạn nhân. Đáng tiếc, chính quyền địa phương không giải quyết dứt điểm để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự tại dự án trên. Hiện Công an tỉnh Tiền Giang đã vào cuộc.

Theo Thiện Thảo (CA TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.