14/03/2024 2:38 PM
Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (giáp ranh với phía Nam thành phố Đà Nẵng) hiện là địa phương có số lượng dự án bất động sản đang triển khai nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai các dự án bất động sản tại khu vực này hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Một dự án bất động sản tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh:Lưu Bang

Tiến độ triển khai các dự án bất động sản đang ra sao?

UBND thị xã Điện Bàn, Quảng Nam vừa báo cáo tình hình thực hiện, các khó khăn, vướng mắc tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn thị xã.

Trong báo cáo, UBND thị xã Điện Bàn cho biết, tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc hiện có hơn 82 dự án nhà ở.

Trong đó, có 58 dự án đang triển khai thực hiện và đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để chuẩn bị thi công; có 05 dự án đã bàn giao và 06 dự án đã cơ bản hoàn thành chuẩn bị bàn giao; có 13 dự án đã được UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi và chuyển giao về UBND Điện Bàn tiếp tục triển khai theo chỉ đạo.

Đối với khu vực ngoài Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, UBND tỉnh Quảng Nam đã thực hiện giao chủ đầu tư được 28 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại ngoài đô thị.

Trong đó, có 05 dự án cơ bàn hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng; 23 đang thực hiện các thủ tục hồ sơ pháp lý và đang triển khai thi công công trình. Hiện nay, các chủ đầu tư đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng dự án nhằm hoàn thiện dự án theo tiến độ cam kết.

Ngoài ra, tại khu vực ven biển thị xã Điện Bàn (từ bờ đông Sông Cổ Cò đến biển Đông) có tổng cộng 27 dự án.

Trong đó, có 18 dự án du lịch, thương mại - dịch vụ và 09 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, tái định cư. Phần lớn các dự án trên đều triển khai thực hiện từ trước năm 2016 và thực hiện theo Quy hoạch chung ven biển được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt.

UBND thị xã Điện Bàn cho biết thêm, đến nay, tại đô thị Điện Bàn có 4 đồ án quy hoạch phân khu được lập và điều chỉnh với tổng diện tích 7.090,53ha, tỷ lệ lấp đầy quy hoạch phân khu là 31,43%; đã có 119 dự án được giao cho chủ đầu tư thực hiện với diện tích là 1.525,218 ha, tỷ lệ lấp đầy quy hoạch chi tiết là khoảng 21,51%.

Đến nay, đã có 16 dự án đã hoàn thành và đang chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng làm cho diện mạo Điện Bàn phát triển theo hướng văn minh tiến bộ và đô thị hóa.

Hiện nay, thị xã Điện Bàn đang tiếp tục chú trọng đến công tác phát triển đô thị, phấn đấu sẽ trở thành đô thị loại III vào năm 2030.

Điện Bàn là địa phương có số lượng dự án bất động sản đang triển khai nhiều nhất tại tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Lưu Bang

Nhiều khó khăn, vướng mắc

UBND thị xã Điện Bàn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục trong thời gian đến liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng; pháp lý thực hiện dự án.

Đơn cử về quy hoạch xây dựng, UBND thị xã Điện Bàn cho biết các đồ án quy hoạch và định hướng sử dụng đất đai, phát triển không gian chưa phù hợp với quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, công tác dự báo chưa theo sát thực tiễn phát triển nên trong quá trình triển khai thực hiện phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần.

Việc lập và quản lý quy hoạch mới chỉ chú trọng vào các khu đô thị mới, các dự án kinh doanh hạ tầng và chủ yếu do các doanh nghiệp thực hiện, chưa thực sự chú trọng đến các khu vực chỉnh trang, tái thiết đô thị.

Hiện nay, trên địa bàn thị xã tại 9 khu và Cụm công nghiệp với số lượng công nhân làm việc rất lớn, thế nhưng về quy hoạch phát triển nhà ở xã hội lại chưa được quan tâm đúng mức.

Hiện nay, các dự án khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch tại đô thị Điện Bàn đang trong quá trình hoàn thành dự án đưa vào hoạt động nhưng hệ thống hạ tầng khung chưa được triển khai đầu tư do thiếu nguồn vốn, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải đô thị. Do đó, công tác quản lý khớp nối hạ tầng các dự án, cảnh quan và vệ sinh môi trường gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo UBND thị xã Điện Bàn, trong quá trình thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng các dự án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chẳng hạn, các hộ gia đình, cá nhân không thống nhất nhận tiền, bàn giao mặt bằng theo phương án được duyệt với các lý do như: Đơn giá bồi thường thấp, đề nghị bồi thường theo giá thị trường; yêu cầu bố trí thêm lô tái định cư để đảm bảo với nhân, hộ khẩu của hộ gia đình; yêu cầu bố trí tái định cư trong trường hợp ảnh hưởng đất nông nghiệp;…

Ngoài ra, một số trường hợp không phối hợp trong công tác kiểm kê, xác nhận kết quả đo đạc, không cung cấp hồ sơ để tổ chức xét nguồn gốc đất hoặc đang xảy ra tranh chấp đất đai nhưng không đồng ý hòa giải,… dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.

Đặc biệt, tại một số xã, phường trên địa bàn thị xã hiện nay không có hồ sơ 299 (do thất lạc). Do đó, đối với trường hợp này thì hộ dân chỉ được công nhận diện tích đất ở dựa vào quy định hạng mức giao đất và số nhân khẩu trong gia đình. Điều này dẫn đến sự không đồng thuận của người dân. Do đó không thể làm hồ sơ thủ tục công nhận diện tích đất ở trước khi thu hồi đất cũng như các thủ tục hồ sơ liên quan đến công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Chưa hết, hiện nay, thị xã Điện Bàn nhận thấy khó khăn lớn nhất liên quan đến pháp lý thực hiện dự án là thời gian thực hiện thủ tục gia hạn tiến độ triển khai dự án đang chồng chéo với kế hoạch sử dụng đất thực hiện dự án.

Theo quy định, các dự án hết tiến độ thực hiện thì không đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Tuy nhiên khi thực hiện xong thủ tục gia hạn tiến độ thì dự án lại không nằm trong kế hoạch sử dụng đất, chủ đầu tư phải thực hiện tiếp thủ tục này (trong khi thời gian gia hạn không quá 24 tháng theo quy định). Trong khi việc chậm trễ tiến độ của dự án phần lớn là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, không hoàn toàn lỗi thuộc về nhà đầu tư.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.