Dọc con đường vào làng Mông Phụ - xã Đường Lâm(Sơn Tây, Hà Nội), những bãi đồng không lô nhô các ngôi mộ mới, cũ khiến nhiều người lần đầu tiên đặt chân đến đây không khỏi rùng mình. Trong khi đó, nghĩa trang của làng cách đó không xa vẫn còn rất nhiều đất trống được các hộ chia ô "để dành". Người ta hẳn sẽ bất ngờ khi biết, chính trên cánh đồng này, nhiều mảnh ruộng đã được cắt xé, chia ô xây tường bao bốn phía, “đánh giấu” là đất đã có chủ. Những thửa ruộng vốn được trồng lúa, trồng màu nay đã được sang tên, chờ xây huyệt mộ.
Dọc con đường vào làng Mông Phụ - xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), những bãi đồng không lô nhô các ngôi mộ mới, cũ khiến nhiều người lần đầu tiên đặt chân đến đây không khỏi rùng mình
Làng cổ ở Đường Lâm được chọn lựa bao gồm làng cổ trọng điểm Mông Phụ và các làng cổ phụ cận. Đây là nơi duy nhất trên cả nước được mệnh danh là đất hai vua - vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Huyền thoại đất hai Vua cùng với nhiều dòng họ lớn ở Đường Lâm đã khiến nơi này trở thành một trong những địa danh nổi tiếng linh thiêng.
Theo các tài liệu lịch sử, Đường Lâm có vị thế đắc địa theo thế "Toạ sơn vọng thuỷ", tức là lưng tựa vào núi Tản, mặt ngoảnh ra sông Hồng. Vùng đất cổ xuất hiện từ cách đây trên dưới 1.000 năm nay đang phải vật vã đối mặt với những nguy cơ xuống cấp hay mai một nghiêm trọng. Cơn lốc đô thị hóa tràn tới đã đành, từ khi được “phong” danh làng cổ, Đường Lâm càng “hút” khách.
Nhưng không phải chỉ là khách du lịch, Đường Lâm còn đặc biệt hút dân đầu cơ bất
động sản. Người ta ào về làng cổ mua đất, đất ở cạn kiệt thì chuyển sang… đất
nghĩa trang. Người nhiều tiền lắm của và lo xa tìm về đây để chọn một nơi yên
nghỉ “đẹp” cho người thân và chính mình. Cơn sốt đất nghĩa trang gần đây bỗng
chốc nổi lên, đánh cắp đi những nét yên bình còn sót lại của làng.
“Chẳng đâu có được cái thế đất hình con rồng uốn lượn như đất này. Mà người ta
đi xem phong thủy rồi tìm đến đây ầm ầm vì ở đây được thế đất đẹp. Nếu được
“táng” xuống thì lộc không những phát mà tiền của cũng không thất thoát đi đâu
được” - một ông cụ người làng Đông Sàng thẽ thọt nói.
Không phải chỉ mình ông cụ trầm trồ và tỏ ra kính ngưỡng khi nhắc tới thế đất,
đến cái sự thiêng liêng của nơi này. Rất nhiều người dân Đường Lâm được hỏi đều
khẳng định niềm tự hào về mảnh đất thiêng “có một không hai” của họ.
Nhiều ngôi mộ khang trang có giá hàng chục triệu đồng mọc lên trên những thửa ruộng của người làng Mông Phụ.
Làng Mông Phụ, xã Đường Lâm được coi là trung tâm của quần
thể di tích làng cổ. Làng nằm trên một vùng gò đồi thoai thoải, bao quanh làng
là những ao hồ, đồng ruộng vẫn còn mang đậm dáng dấp của một làng quê thuần
nông, chưa bị đô thị hóa. Người ta không thể ngờ, bên dưới dáng vẻ ấy, vùng quê
này đang “dậy sóng” vì cơn sốt đất nghĩa trang. Tất cả cũng bởi nhiều người từ
nơi khác tìm về lùng mua bằng được những mảnh ruộng đẹp, thế đất “linh” dành cho
khi nằm xuống.
Ngồi bên quán nước đầu làng, bác Thành – người làng cũng nhiệt tình góp chuyện:
“Mình là nông dân, mình biết thế nào được. Nhưng cái đất nó phải ra sao thì
người ta mới ầm ầm đổ đến mua để xây xây đắp đắp chứ. Ai chẳng mong có một chỗ
“để dành” cho ông bà cha mẹ hay con cháu sau này? Người ta phải đi xem (Xem
phong thủy – bói toán – PV) chán chê rồi mới tìm đến chứ!
Và cứ thế, câu chuyện xôm hẳn nên khi các bác, các ông thi nhau khẳng định vị
trí độc tôn, linh thiêng bậc nhất của đất quê mình.
Dân “nhao” đi bán đất
Tự hào là thế, nhưng vừa nghe động đến có người hỏi mua đất, nhiều người nhiệt
tình hẳn lên với ý định… rao bán đất không thương tiếc. Những người nông dân
quanh năm chân lấm tay bùn thao thao bất tuyệt quảng cáo cho mảnh ruộng của mình
nào thế đẹp, nào là ở gò cao…
Ngay ở quán nước đầu làng, một nhóm những người đi làm đồng ngồi tránh nắng cũng
đang xôn xao bàn tán chuyện đất cát. Bác Hưởng – người thôn Mông Phụ sang sảng
nói: “Chả biết đâu là đầu rồng, đâu là đuôi rồng, nhưng cứ thấy dân Hà Nội, Hải
Phòng, Hưng Yên lên đầy ra. Giá bằng giá nhà nước đền bù, mua một hai sào thì
tha hồ để cho mấy đời. Bây giờ một suất nghĩa trang trên Yên Kỳ cũng mấy chục
triệu, ai đến đây mua là khôn đấy, vừa được đất thiêng, đất đẹp, mà lại rẻ!”
Ông Dực hăng hái dẫn khách đi xem đất
Câu chuyện lan sang những khu ruộng trong làng đang dần được
người nơi khác tới xắn đất, xây kín làm nghĩa trang gia đình. Theo hướng bác
chỉ, chúng tôi tìm ra cánh đồng làng Mông Phụ. Vừa dừng chân bên gốc đa hỏi thăm
chuyện đất đai hai ông cụ tóc đã điểm bạc, chúng tôi đã được nhiệt tình chỉ dẫn.
“Mua đất à? Mua ít hay mua nhiều? Vài mét cũng có, vài thước cũng có, mà vài
sào cũng có, nhà tao có hơn một mẫu ruộng, mua tao để cho!”- ông cụ Hà Văn Dực,
Xóm Chim, thôn Mông Phụ bảo. Rồi như để chắc chắn hơn, chưa kịp để chúng tôi trả
lời, ông cụ đã xăm xắn bảo đi theo, chỉ ruộng cho rõ rành rành.
Trời chiều nắng chang chang, người đàn ông lớn tuổi vẫn phăm
phăm bước qua những bờ ruộng cao thấp. Ông bảo, mấy năm nay, người ta về đây
mua đất nhiều, còn thiết kế, xây dựng lên to đẹp lắm. Ngay gần thửa ruộng nhà
ông có người mua một mảnh đất, xây lên hai cái mả, cả đất cả xây ngót 150 triệu.
Anh ta còn trẻ mà đã biết lo xa. Hôm nói chuyện với ông, anh ta bảo: “Người sống
cần đất, người chết còn cần hơn. Mua được, xây được ở đây xong, cháu nhẹ cả
người”.
Những khu đất đã được phân luống đánh dấu. Có người vẫn cho dân địa phương canh tác trên các mảnh đất này.
“Đất bây giờ càng ngày càng đất đỏ, không mua nhanh, chỉ hai
ba năm nữa thôi là hết. Không sợ đắt rẻ đâu, có giá làng cả, ở đây người ta vẫn
bán suốt đấy” , ông cụ “trấn an” khi thấy chúng tôi tỏ ra lưỡng lự.
Từ trong nếp nghĩ của những người nông dân “đặc chủng thuần nông” quanh năm chỉ
biết đến ruộng nương như ông Dực, việc bán đi một phần ruộng đất nhà mình để có
được vài triệu, vài chục triệu, thậm chí là vài trăm triệu đồng để trang trải
cho cuộc sống trước mắt quả là một cơ may “lên đời”…
Ông Dực còn chỉ thêm cho chúng tôi rất nhiều những ngôi mộ đã xây, những ngôi
đang xây và cả những mảnh đất cắt bán đã được xây quây lại, phân định ranh giới
rõ rệt. Nhiều khoảnh tuy đã xây quây lại nhưng nhà chủ người ta vẫn cho dân canh
tác tạm. Những luống sắn, luống khoai lơ thơ giữa bốn mảnh tường bao bỗng dưng
bị chia cách với cả cánh đồng làng dở dang vào vụ. Không biết nên buồn hay nên
vui …