13/12/2020 11:25 AM
Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài việc bố trí vốn để hoàn thành các dự án cao tốc đang triển khai dở dang, Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất đầu tư mới giai đoạn phân kỳ của 07 dự án với chiều dài khoảng 774 km, tổng vốn đầu tư khoảng 64.554 tỷ đồng.

Ngay cả một số dự án có nhu cầu vận tải lớn, khả thi về tài chính (như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) cũng rất khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chất vấn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Vì sao vừa qua việc xây dựng đường cao tốc cho Đồng bằng sông Cửu Long tỉ lệ rất thấp so với vùng khác (100 km cao tốc ở ĐBSCL có 2.000 km cao tốc của khu vực phía Bắc)? Vậy căn cứ vào nguyên tắc nào?

Trong khi ĐBSCL là nơi xuất khẩu lúa gạo và nông nghiệp lớn nhất nước? Đề nghị Phó Thủ tướng có giải pháp cụ thể và căn cơ để tạo cú hích cũng như tạo động lực cho Đồng bằng sông Cửu Long phát triển kinh tế - xã hội.

Vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời như sau:

Theo số liệu thống kê, đến nay cả nước có 1.139 km đường cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó khu vực phía Bắc có 898 km (không phải 2.000 km), miền Trung có 127km, khu vực Đông Nam Bộ có 74 km và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 40 km.

Ngoài ra, hiện nay đã hoàn thành 80 km đoạn từ Cao Lãnh - Vàm Cống - Rạch Sỏi cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc. Như vậy, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 120 km đường cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ), vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hình thành 5 trục cao tốc để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Như vậy, có thể nói tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn chậm so với quy hoạch được duyệt, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh nói riêng và khu vực nói chung, do một số nguyên nhân sau:

Do đặc điểm khu vực có nền địa chất phức tạp, địa hình chia cắt bởi nhiều sông, kênh, rạch nên phải xử lý nền đất yếu, xây dựng nhiều cầu, dẫn đến suất đầu tư cho các công trình lớn, thời gian thực hiện kéo dài.

Nguồn vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua bố trí cho ngành giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu; nguồn vốn vay ODA ngày càng kém ưu đãi; thu hút đầu tư theo hình thức PPP gặp nhiều khó khăn do thời gian vay vốn kéo dài, trong khi nguồn vốn của tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn.

Thực tế triển khai một số dự án BOT ngành giao thông thời gian qua cũng cho thấy, trong điều kiện chưa có quy định pháp luật về cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt là rủi ro về doanh thu, dẫn đến việc huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư các dự án BOT ngành giao thông thời điểm hiện nay là rất khó khăn.

Ngay cả một số dự án có nhu cầu vận tải lớn, khả thi về tài chính (như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) cũng rất khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng.

Để khắc phục tồn tại nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch một cách hợp lý;

Tập trung hoàn thành các dự án đang triển khai như tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ; ưu tiên nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, tích cực kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP để phấn đấu đầu tư thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng như các tuyến cao tốc trục ngang khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài việc bố trí vốn để hoàn thành các dự án cao tốc đang triển khai dở dang, Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất đầu tư mới giai đoạn phân kỳ của 7 dự án với chiều dài khoảng 774 km, tổng vốn đầu tư khoảng 64.554 tỷ đồng.

Triệu Phong (Tạp chí Công Thương)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.