Người dân Khu chung cư Đống Đa tham gia buổi đối thoại.
Khu chung cư Đống Đa, phường Phú Nhuận (thành phố Huế) bao gồm 5 dãy nhà được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 1979 đến năm 1988. Theo thiết kế, Khu chung cư Đống Đa có tổng diện tích xây dựng là 3.307m2, tổng diện tích sàn sử dụng 7.971m2. Hiện có 219 căn hộ đang sinh sống và kinh doanh buôn bán, trong đó: Khối nhà A được xây dựng 5 tầng, với 4 đơn nguyên và có 80 căn hộ. Khối nhà D, xây 5 tầng, với 2 đơn nguyên và có 34 căn hộ. Khối nhà B, xây 3 tầng với 3 đơn nguyên và có 54 căn hộ. Khối nhà C, xây 3 tầng, với 3 đơn nguyên và có 27 căn hộ. Khối nhà E, xây 2 tầng, với 3 đơn nguyên và có 24 căn hộ.
Theo báo cáo kết quả kiểm định chất lượng hiện trạng của đơn vị tư vấn, đánh giá chất lượng công trình các dãy nhà đều đang xuống cấp, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Cụ thể, khối nhà A được đánh giá là nhà nguy hiểm cấp D, với khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể; khối nhà B, C, D được đánh giá là nhà nguy hiểm cấp C với khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ; khối nhà E, nhà nguy hiểm cấp B với khả năng chịu lực của kết cấu cơ bản đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, cá biệt có cấu kiện ở trạng thái nguy hiểm, nhưng không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, công trình đáp ứng được sử dụng bình thường.
Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn kết luận, các dãy nhà A, B, C thuộc trường hợp phải cải tạo, xây dựng lại theo Luật Nhà ở năm 2014. Trong đó, có nhà thuộc diện bị phá dỡ như khu nhà A và có nhà chưa bị phá dỡ nhưng phải thực hiện cải tạo để đồng bộ quy hoạch theo Quyết định số 1476 ngày 2/8/2013 của UBND tỉnh.
Việc cải tạo Khu chung cư Đống Đa nhằm đảm bảo cho người dân có một nơi ở mới an toàn, khang trang và quyền lợi của người dân sau khi thực hiện cải tạo khu chung cư phải được đảm bảo.
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân ở Khu chung cư Đống Đa.
Phát biểu mở đầu tại buổi đối thoại, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế rất mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân ở Khu chung cư Đống Đa để giải quyết các vướng mắc, đề xuất của người dân trong việc xây dựng, cải tạo lại khu chung cư cũ. Mục tiêu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, nâng cao đời sống cho người dân và cảnh quan cho khu vực trung tâm thành phố. Từ đó, chỉnh trang bộ mặt đô thị Huế, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn sắp đến.
Tại buổi đối thoại, các hộ dân đều thống nhất với chủ trương cải tạo, xây dựng mới các dãy nhà của tỉnh. Người dân mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hơn đến việc hỗ trợ di chuyển, tạm cư trong quá trình thực hiện dự án; các cơ chế chính sách cho người có công; chọn lựa nhà đầu tư có tiềm lực, có tâm để công trình được thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cũng như có buổi đối thoại với nhà đầu tư để đề xuất các kiến nghị của mình…
Ông Nguyễn Viết Đáo (người dân) nhấn mạnh: Khu chung cư Đống Đa nằm ở bộ mặt thành phố, kiến trúc công trình phải thật đẹp, kiểu mẫu, xứng tầm vị trí đang tọa lạc. Muốn đẹp, chính quyền địa phương phải chọn nhà đầu tư có uy tín, thời gian và chất lượng thi công công trình phải được đảm bảo. Mong muốn người dân trong khu chung cư quyết tâm, đồng thuận để sớm cùng với tỉnh thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Kết luận tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ bày tỏ vui mừng với việc đa phần người dân đồng ý phương án cải tạo để có một nơi ở mới tốt hơn. Những ý kiến, trao đổi của người dân về các chính sách, cơ chế sẽ được cơ quan chức năng tiếp thu, ghi nhận và có phương án xử lý tốt nhất dựa trên các quy định của pháp luật. Những gia đình chính sách, người có công sẽ được quan tâm hơn trong việc thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ. Liên quan đến việc hỗ trợ di chuyển, tạm cư đối với các gia đình, cá nhân chủ sở hữu căn hộ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, chính quyền địa phương sẽ trao đổi với nhà đầu tư để hỗ trợ tốt nhất cho người dân trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, việc chọn nhà đầu tư sẽ được công bố công khai.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: UBND tỉnh cũng như các cấp chính quyền cam kết sẽ đồng hành, sát cánh với nhân dân trong quá trình cải tạo xây dựng mới khu chung cư Đống Đa nhằm đảm bảo mục tiêu xây dựng công trình chất lượng, đảm bảo tiến độ, phù hợp với cảnh quan đô thị, có cơ chế hỗ trợ đền bù phù hợp và sớm tạo lập cho nhân dân một nơi ăn chốn ở ổn định, đẹp đẽ hơn, khang trang hơn, xứng tầm công trình tại vị trí trung tâm đô thị Huế.
-
TT-Huế: Vì sao khu xử lý triệu đô 'trùm mền'?
Với lượng rác thải sinh hoạt thu gom hàng ngày từ 450 đến 500 tấn, việc xử lý rác tại TT-Huế hiện trở nên quá tải. Trong khi, một khu xử lý rác sinh hoạt có trị giá đầu tư hơn 3,4 triệu USD ở tỉnh này lại “chết yểu” từ 3 năm nay.
-
Có gì đặc biệt trong quy hoạch khu đô thị hơn 185ha, quy mô 20.000 người ở Thừa Thiên Huế?
Khu đô thị phía Bắc, phường Hương An, Hương Sơ, Hương Vinh (TP. Huế) và xã Hương Toàn (Hương Trà) có diện tích hơn 185 ha, quy mô dân số 20.000 người.
-
Tỉnh sắp lên thành phố trực thuộc trung ương sắp khởi công khu đô thị hơn 4.300 tỷ đồng
Khu đô thị này hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 1.000 căn nhà ở đa dạng và 118.000 m2 sàn thương mại dịch vụ.
-
Khu đô thị hơn 4.300 tỉ đồng vừa được Thừa Thiên Huế chấp thuận đầu tư có quy mô như thế nào?
Dự án Khu đô thị sinh thái tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy (thuộc Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn) có quy mô diện tích gần 57ha, cung ứng khoảng 1.000 căn nhà ở và nhiều tiện ích đô thị khác.