Những dự án du lịch nghìn tỷ “đắp chiếu” cả thập kỷ gây lãng phí tài nguyên đất và đẩy cuộc sống lượng lớn hộ dân ở Thừa Thiên- Huế vào cảnh khốn đốn.

Dự án “treo” cả thập kỷ

Gia đình ông Trần Minh Phụng là một trong rất nhiều hộ dân ở thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) nằm trong diện di dời để nhường đất cho dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng- sân golf Lăng Cô. Cả chục năm nay, gia đình ông Phụng luôn sống trong cảnh khổ sở vì dự án “đắp chiếu”.

Gia đình ông Phụng có gần 10 nhân khẩu sống trong ngôi nhà cấp 4 chật chội. Phải sống “treo” thời gian dài trong khi điều kiện nhà cửa không đảm bảo, vừa qua ông Phụng xây thêm phòng để phục vụ cho sinh hoạt của gia đình. Tuy nhiên, phòng vừa xây xong thì ông bị xã lập biên bản bắt phải tháo dỡ vì nhà nằm trong vùng quy hoạch dự án. Gần 1.000m2 đất vườn của gia đình ông cũng phải sản xuất cầm chừng vì không biết dự án sẽ triển khai lúc nào.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng- sân golf Lăng Cô "trùm mền" cả thập kỷ khiến người dân khốn đốn.

“Cả chục năm nay gia đình tôi khổ sở vì đi không được ở không xong, do dự án “đắp chiếu” kéo dài. Chúng tôi luôn sống trong thấp thỏm lo âu, không thể phát triển kinh tế nên đời sống ngày càng khó khăn”- ông Phụng bức xúc.

Theo ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, thôn Phú Hải có 97 hộ dân nằm trong diện phải di dời bởi dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng- sân golf Lăng Cô. Từ năm 2009, dự án đã tiến hành kiểm kê tài sản và phê duyệt giá trị bồi thường, nhưng sau đó việc chi trả bồi thường không được thực hiện. Đến năm 2017, dự án tiến hành kiểm kê lại, và đến nay người dân vẫn phải mỏi mòn chờ được chi trả bồi thường. Tình trạng dự án “treo” dai dẳng khiến cuộc sống người dân đảo lộn khi không thể xây dựng, sửa chữa nhà cửa, chia tách đất đai, việc phát triển sản xuất gặp khó khăn.

Theo tìm hiểu của PV, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng- sân golf Lăng Cô do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Phong Phú - Lăng Cô làm chủ đầu tư. Sau khi khởi công năm 2008 rồi “trùm mền”, 2 năm sau, chủ đầu tư xin điều chỉnh dự án. Quy mô dự án sau khi điều chỉnh có diện tích 292ha, tổng vốn đầu tư 5.230 tỷ đồng. Dự án được thiết kế gồm 3 hạng mục công trình là khu resort ven biển 100 phòng, phố ẩm thực hải sản và công viên biểu tượng có diện tích lên đến 17.000m2.

Tuy nhiên, đến nay, sau một thập kỷ, dự án này vẫn “án binh bất động”, đẩy cuộc sống của hàng loạt hộ dân vào cảnh điêu đứng.

Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô.

Ngoài dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng- sân golf Lăng Cô, tại Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô còn có nhiều dự án khác “trùm mền” trong thời gian dài. Như dự án Khu du lịch Bãi Chuối, được cấp phép tại khu vực Bãi Chuối (thị trấn Lăng Cô). Đây là dự án khu nghỉ dưỡng có tổng vốn đầu tư 1.636 tỷ đồng, thực hiện trên diện tích đất 100ha. Dự án khởi công vào đầu năm 2009 và dự kiến đến tháng 8/2014 hoàn thành, nhưng đến nay khu đất dự án vẫn là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.

Ông Dương Đăng Trung - Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô khẳng định, trong khi đời sống người dân khó khăn vì thiếu công ăn việc làm thì việc lượng lớn diện tích đất của thị trấn lại được cấp phép cho các dự án bị bỏ hoang đã gây ra sự lãng phí lớn. Theo ông Trung, nếu thu hồi những dự án treo này sẽ giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Tình trạng dự án “đắp chiếu” dai dẳng tại Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô cũng là thực trạng chung tại nhiều khu vực ven biển khác của tỉnh Thừa Thiên- Huế. Tại vùng ven biển huyện Phú Vang của tỉnh hiện cũng có nhiều dự án “án binh bất động” trong thời gian dài sau khi được cấp phép.

Xí phần dự án để kiếm lời

Một lãnh đạo Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, các dự án “trùm mền” trên địa bàn tỉnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó là: Nhà đầu tư thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, không còn đủ khả năng triển khai dự án; một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực để triển khai dự án nhưng vẫn đăng ký để xí phần, chờ chuyển đổi dự án để kiếm lợi; nhiều dự án đăng ký đầu tư với sản phẩm đầu ra tương tự trong khi khả năng hấp thụ nền kinh tế địa phương không cao dẫn đến khó đảm bảo hiệu quả dự án...

Tình trạng dự án bỏ hoang tại Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô đã gây lãng phí lớn.

Theo Sở TNMT Thừa Thiên - Huế, từ năm 2014 đến nay, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi đất 14 dự án chậm tiến độ. Riêng đầu năm 2019 đến nay đã thu hồi 3 dự án. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh kiểm tra, thu hồi những dự án vi phạm theo luật.

Còn theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, hiện tỉnh đã rà soát toàn bộ các dự án chậm tiến độ. Theo đó, có 24 dự án cần xem xét thu hồi (đã thu hồi 12 dự án), 29 dự án cần được giám sát đặc biệt và 26 dự án đang triển khai cần đôn đốc thực hiện.

Để khắc phục tình trạng dự án bỏ hoang, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở TNMT, Sở KHĐT, Ban quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh và UBND các địa phương khẩn trương rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn. Đối với các dự án chậm tiến độ, vượt thời gian gia hạn theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh rà soát, bổ sung danh mục dự án cần rà soát thu hồi, danh mục dự án giám sát đặc biệt nhằm tạo sự bình đẳng trong đầu tư, phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng đất.

Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên- Huế thực hiện công khai danh mục các dự án chậm triển khai tiến độ, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn theo quy định trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các website của các sở, ngành để người dân biết, giám sát.

Trần Hòe - Văn Nguyễn (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.