Sáng 28-5, ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đã trực tiếp chỉ đạo ông Trần Văn Cân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân yêu cầu doanh nghiệp Cường Hương dừng ngay máy móc san ủi đất, lấp ruộng lúa mới gieo sạ được 15 ngày của gia đình ông Trần Văn Trà (ở thôn Bình An, xã Phong Xuân) tại cánh đồng Đập Tăm thuộc thôn Bình An.
Đồng thời yêu cầu UBND xã Phong Xuân sớm thỏa thuận với gia đình ông Trần Văn Trà trong việc đề nghị hiến tặng hoặc đền bù theo quy định phần đất ruộng của gia đình ông này bị ảnh hưởng trước khi tiếp tục thi công tuyến đường liên thôn bằng bê tông của xã này.
Máy móc của doanh nghiệp Cường Hương tự ý san lấp phần ruộng lúa mới gieo sạ của gia đình ông Trần Văn Trà.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ruộng lúa của gia đình ông Trần Văn Trà vừa gieo sạ khoảng 15 ngày, trong đó có hơn 150m2 bị ảnh hưởng bởi tuyến đường liên thôn.
Tuyến đường này dự kiến được làm bê tông với chiều dài hơn 1,2km, tổng số tiền đầu tư 2 tỷ đồng, do doanh nghiệp Cường Hương thi công.
Sáng 26-5, ông Trà nghe bà con điện thoại báo, ruộng lúa của gia đình ông bị doanh nghiệp Cường Hương (thôn Đồng Lâm, xã Phong An, huyện Phong Điền) đến phá, múc đất lên phần đường đang thi công. Sự việc chỉ dừng lại khi gia đình ông Trần Văn Trà đưa người ra can ngăn.
“Không biết có tư thù gì gia đình chúng tôi hay không, nhưng khi mọi người trong gia đình tôi hỏi thì người lái xe múc (nhân viên Công ty Cường Hương) nói là làm theo sự chỉ đạo của ông Trần Văn Cân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân" - ông Trà bức xúc cho biết thêm: "Ruộng của gia đình, tôi đã cho con mình canh tác lúa. Vấn đề tuy nhỏ nhưng là việc làm bất chấp luật pháp. Lãnh đạo xã Phong Xuân và doanh nghiệp Cường Hương cố tình phá hoại ruộng đồng, hoa màu của người dân”.
Phần ruộng lúa của gia đình ông Trần Văn Trà bị san lấp.
Liên quan đến việc thi công tuyến đường liên thôn tại xã Phong Xuân, ông Trịnh Đức Hùng cho rằng, theo báo cáo từ phía lãnh đạo xã Phong Xuân thì tuyến đường liên thôn của xã đi qua ruộng lúa của một số gia đình tại thôn Bình An.
Trong khi, các hộ dân có ruộng bị ảnh hưởng đều đã tự nguyện hiến phần ruộng mà tuyến đường liên thôn này đi qua.
Riêng trường hợp phần ruộng của ông Trần Văn Trà do đã cho các con ông canh tác lúa nên địa phương chưa thỏa thuận được. Đây là việc làm sai của chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp nên cần phải khẩn cấp khắc phục.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Toàn, Phó chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho rằng “doanh nghiệp họ nghĩ phần đất liên quan tuyến đường này đã được thỏa thuận đền bù hết rồi nên cứ cho xe đến múc. Về phía quản lý nhà nước, do chưa thống nhất cách làm nên đã có sai, sai ở chỗ bên đơn vị thi công không nắm được”.
-
Đề xuất loạt khu đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án tại Thừa Thiên Huế
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Tờ trình số 12190/TTr-UBND đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết phê duyệt danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế...
-
Có gì đặc biệt trong quy hoạch khu đô thị hơn 185ha, quy mô 20.000 người ở Thừa Thiên Huế?
Khu đô thị phía Bắc, phường Hương An, Hương Sơ, Hương Vinh (TP. Huế) và xã Hương Toàn (Hương Trà) có diện tích hơn 185 ha, quy mô dân số 20.000 người.
-
Tỉnh sắp lên thành phố trực thuộc trung ương sắp khởi công khu đô thị hơn 4.300 tỷ đồng
Khu đô thị này hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 1.000 căn nhà ở đa dạng và 118.000 m2 sàn thương mại dịch vụ.