17/01/2012 2:12 AM
Hãng tin THX ngày 16-1 đưa tin, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo vừa kêu gọi bảo vệ quyền sử dụng đất đai của nông dân và chỉ trích chính sách đưa dân vào các khu chung cư rồi dùng đất của họ để phát triển hoặc hợp nhất vào các khu dân cư lớn hơn. Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh việc cưỡng chế đất đai được chính quyền địa phương hậu thuẫn là nguyên nhân gây căng thẳng sâu sắc trên toàn Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi - Bảo vệ quyền sử dụng đất của nông dân

Nhiều khu đô thị mới mọc lên ở vùng nông thôn Trung Quốc nhưng 81% nông dân mất đất lo lắng về sinh kế tương lai.


Quy mô thu hồi lớn hơn nhu cầu thực tế

Mới nhất là các cuộc biểu tình kéo dài 10 ngày phản đối thu hồi đất nông nghiệp tại làng Ô Khảm thuộc tỉnh Quảng Đông tháng 12-2011. Vụ việc bắt đầu từ hồi tháng 9 và lên đến đỉnh điểm vào tháng 12, buộc chính quyền tỉnh Quảng Đông phải \nhượng bộ để giải quyết khiếu nại của người dân tố cáo chính quyền địa phương tịch thu đất canh tác của họ để dùng trong các dự án phát triển.

Theo một báo cáo gần đây của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), có khoảng 40 đến 50 triệu nông dân Trung Quốc bị mất đất nông nghiệp kể từ khi cuộc cải cách kinh tế bắt đầu vào cuối những năm 1970. Con số này đang gia tăng với tốc độ 3 triệu nông dân mỗi năm và sẽ lên đến 110 triệu người vào khoảng năm 2030.

Báo cáo khẳng định những khu vực đất đai nông nghiệp rộng lớn đã và đang bị thu hồi vì tốc độ công nghiệp hóa - đô thị hóa của Trung Quốc ngày càng tăng. Theo chỉ thị “Quy hoạch sử dụng đất quốc gia” do Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc công bố tháng 10-2008, từ năm 2000-2030, hơn 8,6 triệu mẫu đất nông nghiệp sẽ bị thu hồi và hơn 100 triệu nông dân sẽ mất đất.

Tuy nhiên, theo báo cáo, trong khi đất nông nghiệp đang mất đi, có một xu hướng nghiêm trọng là đất đô thị đang được sử dụng một cách không thỏa đáng. Có khoảng 657.000ha đất sau khi bị thu hồi đã không được sử dụng. Điều này dẫn đến kết luận rằng quy mô của việc thu hồi đất đai lớn hơn so với nhu cầu thực tế.

Duy trì đặc trưng nông thôn và tăng lợi nhuận cho nông dân

Theo khảo sát của nhiều tờ báo Trung Quốc, những nông dân mất đất thường không có việc làm và thu nhập ổn định. Sau khi mất quyền sử dụng đất và thu nhập từ mảnh đất nông nghiệp của họ, họ không có được sự đảm bảo về tài chính. Trong số 2.942 người nông dân mất đất được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc khảo sát, chỉ có 2,7% người có được việc làm sau khi bị mất đất; 24,8% phải tự mình đi kiếm việc làm; 27,3% buôn bán nhỏ, 20% vẫn ở nhà, thất nghiệp.

Hầu hết nông dân bị thu hồi đất đều trong tình trạng kinh tế khó khăn, 85,61% nông dân không có bất kỳ loại an sinh, bảo hiểm xã hội nào và chỉ 12% có bảo hiểm y tế. 81% lo lắng về sinh kế tương lai của họ. Khi được hỏi họ sợ gì nhất, 15,91% nói rằng họ sợ không có bảo hiểm y tế, 27,27% nói rằng sợ không có bảo hiểm hưu trí và 75% lo sợ thất nghiệp.

Trong một bài xã luận trên tạp chí có ảnh hưởng Tìm kiếm sự thật (Qiushi) ngày 15-1, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nêu rõ “người dân ở nông thôn được hưởng các quyền hợp pháp của hợp đồng đất đai, sử dụng đất và phân phối thu nhập chung”, dù họ còn ở nông thôn hay đã di cư lên thành phố làm việc. Ông Ôn Gia Bảo cho rằng “không ai có quyền tước đoạt các quyền như vậy” và việc “xây dựng nông thôn phải đảm bảo duy trì những đặc trưng tại đây thay vì đem những thiết kế thành thị vào miền quê và buộc nông dân sống trong những chung cư cao tầng”.

Trước đó, hồi cuối tháng 12-2011, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã cảnh báo các quan chức chính phủ rằng họ phải bảo vệ quyền sử dụng đất đai của nông dân và trả cho nông dân phần lời lớn hơn nhiều nếu đất của họ bị chiếm dụng để phát triển.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết, quyền của nông dân trong việc sử dụng đất được luật pháp bảo vệ và không thể bị tước bỏ. Khi đất canh tác được sử dụng vào những mục đích khác, các giới chức phải tăng thật nhiều lợi nhuận dành cho nông dân.

Theo Hạnh Chi (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.