Như thông lệ hàng năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm nay lại tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2013 diễn ra ở Hà Nội sáng 9/1, lĩnh vực mà Chính phủ cũng như Thủ tướng luôn dành sự quan tâm đặc biệt và cũng gửi gắm nhiều hy vọng.
Nhưng nếu như năm ngoái chủ yếu là những lời căn dặn, thậm chí phê bình, lo lắng, thì năm nay Thủ tướng dành phần lớn thời gian đánh giá cao công sức của ngành ngân hàng. Và cũng tại hội nghị này, Thủ tướng lần đầu tiên gắn trách nhiệm kiểm soát lạm phát với cá nhân Thống đốc, người đứng đầu cơ quan điều tiết vốn cho nền kinh tế.
"Lạm phát từ tiền nhiều mà ra. Với tư cách thành viên Chính phủ, lại là người đứng đầu ngân hàng trung ương, trước hết, Thống đốc phải chịu trách nhiệm với Chính phủ về lạm phát", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại nhiều nền kinh tế, ngân hàng trung ương có vai trò quan trọng nhất và gần như duy nhất là kiểm soát lạm phát. Trong khi đó tại Việt Nam, từ nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước luôn gánh một lúc 2 trách nhiệm: vừa kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Nhiệm vụ này, thống đốc các thời kỳ và cả đương nhiệm đều thừa nhận là khó, bởi kiểm soát lạm phát phải thắt chặt tiền tệ, kinh tế khó tăng trưởng cao, và ngược lại.
"Thống đốc phải làm sao điều hành lạm phát thấp mà vẫn duy trì tăng trưởng. Đây không phải là đòi hỏi duy ý chí, mà là mục tiêu kép của cả hệ thống. Anh kiểm soát lạm phát tốt nhưng nếu tăng trưởng dưới 5% thì không tạo thêm công ăn việc làm, thì thất nghiệp", Thủ tướng nhắn nhủ với Thống đốc.
Mục tiêu chung của nền kinh tế năm 2013 là lạm phát thấp hơn năm ngoái, ổn định vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi để 2014-2015 tăng trưởng cao hơn. Riêng về nhiệm vụ của ngành ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu phải điều hành chính sách tiền tệ để lạm phát năm 2013 phải thấp hơn 6,8% của năm 2012, tỷ giá tiếp tục ổn định và quản lý thị trường vàng tốt như đối với thị trường ngoại tệ.
Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc đưa lạm phát năm 2012 về 6,8%. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhiệm vụ khác Thủ tướng giao phó cho Ngân hàng Nhà nước là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý, đúng địa chỉ. Theo đó, các ngân hàng cần chia sẻ tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách phân tích những đơn vị khó khăn tạm thời cần cho vay, hạ lãi suất, khoanh nợ, dùng dự phòng rủi ro để giảm lãi suất.
"Có những doanh nghiệp chỉ dừng cho vay là họ đổ vỡ ngay, trong khi nếu tiếp tục cho vay họ phát triển tốt. Đây là trách nhiệm với nền kinh tế, đất nước và với chính ngân hàng. Giờ trăm sự nhờ vốn, mà vốn vẫn chủ yếu nhờ ngân hàng", ông nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt ra nhiệm vụ cấp thiết cho ngành ngân hàng trong năm 2013 là xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại ngành. "Tôi nghe Thống đốc báo cáo thì thấy rằng trăm sự cũng nhờ ngân hàng. Cái chính là các đồng chí phải tự xử lý. Chủ yếu là các ngân hàng thôi chứ không có ngân sách để xử lý nợ xấu", Thủ tướng chia sẻ.
Nhìn lại về năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận đã chưa lường hết khó khăn nên có những mục tiêu, nhiệm vụ đưa ra không sát thực tế. Dù vậy, ông ghi nhận ngành ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng, đặc biệt là điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, qua đó góp ổn định lạm phát, tỷ giá, giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Một trong những thành công theo đánh giá của ông là việc đưa lạm phát từ 19% năm 2011 về còn 6,8% trong năm nay. Quan trọng hơn, năm 2012 đã tạo ra được thế kiểm soát lạm phát một cách bài bản, làm cơ sở ổn định lạm phát trong năm 2013. "Những năm trước có kiểm soát nhưng độ vững chắc chưa cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái lạm phát. Nay các nhân tố gây tái lạm phát vẫn còn nhưng không đáng lo ngại. Do đó, mục tiêu 2013 kiểm soát lạm phát thấp hơn 2012 là có cơ sở, có căn cứ", người đứng đầu Chính phủ cho biết.
Trách nhiệm kiểm soát lạm phát được Thủ tướng giao phó cho Thống đốc. Ảnh: Thanh Lan. |
Thủ tướng cũng cho rằng, ngoài lạm phát, đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng trong năm 2013 còn là kiểm soát tỷ giá. "Kinh tế vĩ mô khó khăn, nhưng vẫn giữ được tỷ giá, đây là công lao lớn của cả nền kinh tế nhưng vai trò ngân hàng rất quan trọng, từ đó mà lãi suất giảm mạnh, liên tục trong năm qua", Thủ tướng khen ngợi.
Đánh giá về thị trường vàng, Thủ tướng cũng cho hay, dù vẫn còn một số việc cần làm nhưng bước đầu, ngành ngân hàng đã làm được yêu cầu đưa ra đó là không để thị trường vàng gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Theo ông, những tình trạng như trước đây, vàng tác động liên tục vào tỷ giá, lãi suất, cán cân xuất nhập, gây mất ổn định, làm giảm giá trị đồng tiền đã không còn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu hai yêu cầu khác về thị trường vàng cho ngành ngân hàng. Thứ nhất, cần đảm bảo nhu cầu cơ bản, hợp pháp của người dân về vàng. "Dân mua vàng thì đâu có thiệt hại gì. Phải làm sao quản lý nhưng lợi ích của của người dân, cộng đồng nói chung đảm bảo", Thủ tướng nói.
Yêu cầu thứ ba theo Thủ tướng là quản lý vàng để từng bước vàng trở thành nguồn lực đất nước. "Không để nó mãi chôn một chỗ mà phải thành tiền đưa vào sản xuất kinh doanh", người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Tại hội nghị tổng kết năm nay, không nói nhiều về những việc chưa làm được của ngành ngân hàng như năm ngoái nhưng người đứng đầu Chính phủ vẫn buồn lòng về chuyện các ngân hàng vi phạm pháp luật. Nói về những sai phạm của ngành ngân hàng, Thủ tướng cho biết có tình trạng một số cổ đông chi phối, lập ra ngân hàng rồi coi là của mình và lập công ty con rút tiền ra. "Đó là vi phạm pháp luật, là lừa đảo. Làm ngân hàng phải lành mạnh, không được lấy tiền của người dân cho mình chi tiêu, đầu tư; tài sản thế chấp một đồng mà cho lên thành 10 đồng", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thủ tướng giao Ngân hàng nhà nước xem xét và đưa ra quy định để quản lý tốt vấn đề sai phạm của các ngân hàng. "Chúng ta phải làm sao ngân hàng là hệ thống huyết mạch của nền kinh tế, không lặp lại tình trạng ngân hàng yếu kém, gây mất ổn định nền kinh tế", Thủ tướng yêu cầu.