Trong phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Trong phiên chất vấn, có nhiều câu hỏi xung quanh hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, xiết nợ.
Trả lời thắc mắc trên, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết trong thời gian tới Bộ Công an sẽ thường xuyên rà soát, triệt phá các băng nhóm tội phạm, không để hình thành tội phạm có tổ chức theo kiểu “xã hội đen” hoạt động lộng hành.
Bổ sung cho câu trả lời trên, Thống đốc NHNN cho biết, sắp tới NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng mở chi nhánh, áp dụng công nghệ mới để tiếp cận vốn thanh toán, tạo điều kiện cho quỹ tín dụng nâng cao chất lượng hoạt động, đơn giản hoá thủ tục cho vay và thanh toán để người đi vay tiếp cận vốn dễ hơn.
Theo Thống đốc, bản chất của tín dụng đen là hoạt động cho vay dân sự không qua các tổ chức tài chính tín dụng chính thức. Tín dụng đen hay tín dụng không chính thức thường phục vụ cho nhu cầu vay vốn rất nhanh, nóng. Do cần phải xử lý gấp về mặt thời gian nên các điều kiện cho vay rất nhanh gọn.
“Lãi suất cho vay rất cao, dựa trên các thỏa thuận giữa các bên, không cần cam kết. Hoạt động tín dụng này chủ yếu cho vay dân sự, ngoài các tổ chức cho vay chính thức theo quy định của luật. Kiểu cho vay này chủ yếu biểu hiện dưới hình thức như hụi, họ hoặc cho vay trực tiếp như cho vay nặng lãi”, Thống đốc nói.
Đối tượng đi vay tín dụng không chính thức thường là người có nhu cầu cấp bách về vốn để xử lý các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Một số vay để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đánh bạc hoặc doanh nghiệp, người dân đến hạn trả nợ nhưng không có nguồn trả thì phải tiếp cận vốn tín dụng không chính thức.
Thời gian qua, thông qua các kênh cho vay như Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân đã phần nào giải quyết nhu cầu về vốn của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế còn một bộ phận doanh nghiệp và người dân có nhu cầu vay vốn gấp. Trong khi với các TCTD cần phải có thời gian để thẩm định và cho vay, thực hiện quy định về phòng ngừa rủi ro... Chính vì vậy, trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đưa ra hàng loạt các giải pháp.
Cụ thể, một mặt NHNN tạo điều kiện cho các ngân hàng, các quỹ tín dụng mở các chi nhánh, cung ứng các dịch vụ thanh toán, tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng qua hình thức ngân hàng lưu động, áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động để đáp ứng nhu cầu thanh toán và vay vốn của người dân.
Tiếp đó sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính vi mô, các quỹ tín dụng nhân dân nâng cao chất lượng hoạt động để nâng cao chất lượng vốn vay.
Cuối cùng, thực hiện tốt hơn nữa các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua NHCSXH, các chương trình tín dụng đặc thù của Chính phủ để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn một cách tốt hơn.
-
Sẽ giảm tỷ trọng giao dịch bằng tiền mặt xuống 10%
CafeLand - Ngày 8/8/2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định 986/QĐ-TTg về chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó nêu rõ vai trò huyết mạch của ngành ngân hàng với nền kinh tế.