“Tôi rất buồn. Đất đai thì có lót tay, tiêu cực mới có sổ đỏ” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại cuộc họp về tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sáng 25-4.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ đầu tiên
Sáng nay 25-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ đầu tiên bàn về tháo gỡ vướng mắc trong thi hành Luật Đầu tư (LĐT) và Luật Doanh nghiệp (LDN).
Định hướng nội dung phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng 2 luật này có hiệu lực từ 1-7-2015 nhưng đã có một số vướng mắc so với các luật khác như Luật Đất đai… và có độ vênh giữa các luật với nhau. Hai luật này liên quan rất lớn quyền tài sản, quyền kinh doanh của người dân.
“Với tinh thần ủng hộ, bảo hộ tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân. Cuộc họp cố gắng tháo gỡ cho được 2 Luật ĐT, LDN để đi vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển. Tinh thần tháo gỡ cũng không trái với luật đã được Quốc hội thông qua”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Cao Lục, 2 LĐT và LDN nổi lên một số vướng mắc sau. Cụ thể, quy định LDN và LĐT quan hệ chặt chẽ với quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, bất động sản, đấu thầu, môi trường, thương mại, các quy định về điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài… Các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư trong LDN, LĐT và trong các quy định nói trên còn chưa đồng bộ, thống nhất với nhau, đã gây khó khăn trong việc thi hành 2 luật này.
Bên cạnh đó, việc rà soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh còn chậm, nguy cơ tạo ra “khoảng trống pháp lý” sau ngày 1-7-2016 (Theo quy định của LĐT, sau ngày 1-7-2016, các điều kiện kinh doanh do các Bộ, địa phương ban hành không đúng thẩm quyền sẽ hết hiệu lực).
Trong khi đó, một số cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức chưa dành sự quan tâm cần thiết cho việc tổ chức thi hành luật và hỗ trợ phát triển DN.
Trước tình hình này, VPCP thống nhất với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành việc xây dựng VBQPPL quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; tập hợp, công bố đầy đủ điều kiện kinh doanh… Kiến nghị giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định giải quyết các vướng mắc trong thực hiện LĐT nhằm giải quyết các vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, tạo ra sự liên thông giữa thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường; thống nhất cách hiểu về “điều kiện đầu tư kinh doanh”, đơn giản hoá và giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư; trình Chính phủ ban hành trong tháng 7-2016.
VPCP đề nghị giao Bộ KH-ĐT theo nhiệm vụ được giao, khẩn trương ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là Thông tư hướng dẫn quy chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký DN.
Tăng cường rà soát, kiến nghị bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp hoặc các quy định đã được ban hành trái thẩm quyền; thực hiện công bố đầy đủ các điều kiện đầu tư kinh doanh trên Cổng thông tin DN quốc gia…
Thủ tướng đề nghị đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho ý kiến vì Luật Đất đai là vướng mắc, vênh nhất so với LĐT, LDN…
Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển kiến nghị Thủ tướng giao cho Bộ KH-ĐT làm đầu mối vì lo các bộ đều gắn quyền của mình. “Ngay trong Bộ TN-MT, các tổng cục còn gắn quyền của mình khi ban hành VBQPPL”- ông Hiển nói.
Trước phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thủ tướng cho rằng toàn đất nước này, thủ tục phiền phức nhất chính là môi trường mà chẳng ai chịu trách nhiệm. “Tôi rất buồn. Đất đai thì có lót tay, tiêu cực mới có sổ đỏ. Tạo điều kiện cho dân vẫn còn mờ nhạt lắm, quá nhiều thủ tục rườm rà. Qua lần này phải tháo gỡ vướng mắc và quản lý rất chặt về môi trường, đất đai công; đây là vấn đề rất đau đầu của đất nước hiện nay”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thế Dũng (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.