10/01/2013 7:59 AM
Thủ tướng nhấn mạnh: Thống đốc là thành viên Chính phủ thì phải làm sao điều hành lạm phát thấp mà tăng trưởng cao.

Ngày 9-1, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bền vững. Nếu lạm phát tăng cao thì thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải chịu trách nhiệm.

Thống đốc phải điều hành tăng trưởng cao, lạm phát thấp

Phát biểu tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ xác định trong năm 2013, bối cảnh trong nước và thế giới tiếp tục khó khăn. Kinh tế vĩ mô đã đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng GDP trên 5% nhưng chưa vững chắc, do đó NHNN cần tiếp tục tăng cường ổn định vĩ mô để lạm phát phải thấp hơn, tăng trưởng phải cao hơn năm 2012, tạo điều kiện cho năm 2014-2015 phát triển bền vững. “Thống đốc là thành viên Chính phủ thì phải làm sao điều hành lạm phát thấp mà tăng trưởng cao. Đây không phải là đòi hỏi duy ý chí mà là mục tiêu kép. Kiểm soát lạm phát tốt nhưng nếu tăng trưởng dưới 5% thì thất nghiệp. Lạm phát là do điều hành đồng tiền, do đó Thống đốc phải điều hành vững chắc chính sách tiền tệ” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2013. Ảnh: TTXVN

"Trăm sự nhờ các NH thương mại"

Về công tác điều hành, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành NH trong năm 2013 phải tập trung xử lý nợ xấu, thanh tra cơ cấu lại các NH yếu kém, đưa vốn vào sản xuất kinh doanh, tiếp tục lộ trình xóa bỏ “đôla hóa, vàng hóa”… Theo đó, về xử lý nợ xấu, Thủ tướng cho rằng “trăm sự nhờ các NHTM”, bởi chỉ có bản thân các NH mới hiểu được nguyên nhân nợ xấu và hướng xử lý. “NH cho vay, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ xấu phát sinh thì NH cũng là người đầu tiên phải đi xử lý. NHNN có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo các NHTM tập trung giải quyết nợ xấu. Nhưng xử lý nợ xấu trước hết là việc làm của các NHTM, Nhà nước không có ngân sách để giải quyết thay cho các NHTM mà chỉ tạo cơ chế và hỗ trợ chính sách” - Thủ tướng khẳng định quan điểm.

Đảm bảo quyền lợi của người có vàng

Về tái cơ cấu, Thủ tướng không quên nhắc lại câu chuyện sai phạm tại một số NH liên quan đến cổ đông chi phối rút tiền lập doanh nghiệp, kê khống tài sản… Thủ tướng cho rằng đây là hoạt động lừa đảo, vi phạm đạo lý và quy định của pháp luật. Do đó, trong năm 2013, Thủ tướng yêu cầu NHNN và các NHTM phải tự mình cơ cấu lại hệ thống một cách bền vững, không để tình trạng cổ đông NH này chi phối NH kia nhằm mục đích rút tiền nơi này để đầu tư nơi khác, lập công ty con.

Về quản lý thị trường vàng và ngoại tệ, Thủ tướng cho biết Chính phủ và NHNN tiếp tục quản lý thị trường vàng theo ba yêu cầu: không để ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, không ảnh hưởng đến thị trường VND, không để vàng trở thành nguồn vốn chết. Tuy nhiên, bên cạnh đó phải đảm bảo quyền lợi của người có vàng, phải làm sao để vàng biến thành tiền đi vào nền kinh tế.

Cũng tại hội nghị, nhìn lại năm 2012, Thủ tướng thừa nhận ngay từ đầu năm, chúng ta lường chưa hết khó khăn, thách thức của năm 2012, thực tế phát sinh lớn hơn nhiều so với dự báo, nhất là tác động từ suy thoái kinh tế.

“Tuy nhiên, cả năm nhìn lại cơ bản chúng ta đạt được những mục tiêu đề ra. Mục tiêu đề ra đầu năm là phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Năm 2011, lạm phát gần 19%, đầu năm 2012 chúng ta đưa mục tiêu dưới 10% và kết quả đến nay là 6,8%, tạo đà để năm 2013 tiếp tục kiểm soát lạm phát tốt. Cân đối về cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, dự trữ ngoại tệ đã tăng mạnh hơn 10 tỉ USD, đảm bảo 12 tuần nhập khẩu. Lâu lắm rồi chúng ta mới quay lại đảm bảo nhập khẩu như thế này…” - Thủ tướng nhận xét.

Về phương hướng trong năm 2013, NHNN cho biết sẽ điều hành các mức lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát. Nếu lạm phát thấp hơn năm 2012, NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo hướng giảm mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát. Mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 phấn đấu sẽ đạt khoảng 12%.

Không cấm mua bán vàng nhẫn đóng gói

Từ hôm nay (10-1), ngoài 22 tổ chức tín dụng và 16 DN với gần 2.500 điểm kinh doanh đủ điều kiện thì các cửa hàng khác không đủ điều kiện sẽ chính thức phải dừng việc mua, bán vàng miếng. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề hội nghị, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN), cho biết NHNN sẽ tham gia vào thị trường vàng với vai trò người mua cuối cùng để đảm bảo sự lưu thông của thị trường.

. NHNN có lường trước việc các tiệm vàng nhỏ sẽ bán chui vàng miếng?

+ Về lâu dài, việc bán chui vàng miếng sẽ khó tồn tại vì người dân mua vàng sẽ đòi hóa đơn, đảm bảo xuất xứ, chất lượng của sản phẩm.

. Trên thị trường đã xuất hiện vàng nhẫn đóng thành từng gói nhỏ để lách quy định vàng miếng, giao dịch này có vi phạm không, thưa ông?

+ Việc kinh doanh vàng nhẫn bốn số 9 không trái quy định Nghị định 24. Đây là nhu cầu có thật của người dân vì số tiền mua vàng nhẫn không lớn như khi mua vàng miếng. Tuy nhiên, NHNN kiểm tra hệ thống thì thấy số lượng này không nhiều. Bên cạnh đó, vàng nhẫn của các thương hiệu lớn luôn có ưu thế lưu thông tốt hơn vàng của cửa hàng nhỏ lẻ. Khi giao dịch, người dân phải chú ý có hóa đơn ghi rõ xuất xứ, chất lượng sản phẩm để quyền lợi được bảo đảm.

NAM GIANG thực hiện

Theo Trà Phương (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.