TP. Hồ Chí Minh là nơi được chọn để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Tối 2/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp ông Bill Winters, Tổng Giám đốc Tập đoàn Standard Chartered – một trong những tập đoàn tài chính quốc tế lớn, có lịch sử hoạt động tại Việt Nam hơn 120 năm. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh các chính sách phát triển bền vững, thúc đẩy tài chính xanh và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập sâu rộng.
Trong buổi làm việc, Thủ tướng hoan nghênh việc Standard Chartered thời gian qua đã tích cực hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, tập đoàn đã đóng vai trò quan trọng trong tư vấn nâng hạng tín nhiệm quốc gia, một yếu tố then chốt giúp Việt Nam cải thiện hình ảnh trên thị trường tài chính quốc tế và tăng khả năng thu hút vốn đầu tư.
Thủ tướng đánh giá cao việc Standard Chartered đã hỗ trợ Việt Nam triển khai Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và phối hợp cùng Liên minh Tài chính Glasgow vì phát thải ròng bằng không (GFANZ). Thông qua đó, ngân hàng đã tham gia ký kết các thỏa thuận tài chính lên tới hơn 8 tỷ USD với nhiều đối tác và doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy các sáng kiến phát triển năng lượng sạch và thương mại bền vững.
Khẳng định năm 2025 là thời điểm bản lề, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% và hướng tới hai con số trong những năm tiếp theo. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ xác định một trong những mũi nhọn ưu tiên là phát triển các trung tâm tài chính quốc tế, đồng thời ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị Standard Chartered tích cực chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn mô hình phát triển, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng thể chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học quản trị tiên tiến và phát triển hệ sinh thái tài chính toàn diện để từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực.
Thủ tướng cũng đề nghị Standard Chartered tiếp tục hỗ trợ tài chính xanh, cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho các dự án điện gió, hydro xanh, nông nghiệp thông minh, cũng như thúc đẩy đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam. Bên cạnh đó, ngân hàng được khuyến khích đồng hành cùng Việt Nam trong việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô trong nước và từng bước vươn ra thị trường toàn cầu.
Về phía Standard Chartered, ông Bill Winters bày tỏ vui mừng được quay lại Việt Nam sau ba năm và đánh giá cao thành tựu phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều thách thức. Ông cho rằng Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhờ chính sách linh hoạt, cải cách mạnh mẽ và định hướng phát triển bền vững.
Tổng Giám đốc Standard Chartered nhấn mạnh, tập đoàn cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển các trung tâm tài chính quốc tế, đúng như đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông khẳng định Standard Chartered sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương, hỗ trợ Việt Nam về chuyên môn, vốn đầu tư, công nghệ và mô hình quản trị hiện đại.
-
Trung tâm tài chính: Bước đi chiến lược nâng cao năng lực của nền kinh tế
Việc thành lập trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam không chỉ là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mà còn là bước đi chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Với nền tảng chính trị vững chắc, hệ thống pháp lý đồng bộ và thực tiễn phát triển đầy tiềm năng, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu này, góp phần thu hút nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng và nâng tầm vị thế quốc gia trên bản đồ tài chính quốc tế.
-
Thời điểm vàng để khu vực kinh tế tư nhân bứt phá
Cần xác định đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế là yếu tố cốt lõi, đóng vai trò dẫn dắt, xuyên suốt để tạo nên đột phá trong phát triển của vực kinh tế tư nhân.
-
Việt Nam lọt top 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tính đến tháng 1/2025, Việt Nam nằm trong danh sách 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm nay. Danh sách này có sự góp mặt của 6 đại diện đến từ châu Á, 12 quốc gia thuộc châu Phi cho thấy sự phân bổ tăng trưởng mạnh mẽ tại các thị trường mới nổi và đang phát triển.







