18/07/2023 5:12 PM
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ cần hoạt động hiệu quả, không hình thức, phải tạo ra của cải vật chất, phải tập trung xử lý 3 vấn đề lớn trong những năm tới của vùng: Ách tắc giao thông; nhà ở và vấn đề môi trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ (ảnh: VGP

Tăng trưởng kinh tế vùng Đồng Nam Bộ có xu hướng chậm lại

Tham gia Hội nghị Hội đồng đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, các đại biểu báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về vai trò và tiềm năng tăng trưởng kinh tế của vùng Đông Nam Bộ.

Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và hệ thống cảng, sân bay quốc tế thuận lợi, Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước, trung tâm du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, logistics,… với hạt nhân là đô thị đặc biệt TP.HCM .

Vùng Đông Nam Bộ sở hữu hệ thống đô thị và kết cấu hạ tầng tương đối phát triển: Có trên 11.800 km đường bộ, đã hình thành trục hướng tâm TP.HCM ; 2 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Côn Đảo); đường thủy nội địa mật độ lớn, chảy qua hầu hết trung tâm kinh tế, đô thị, khu công nghiệp; 218 cầu cảng biển dài gần 38 km, chiếm 38,8% chiều dài và 43,2% tổng lượng hàng hóa qua cảng của cả nước. Sắp tới sẽ có tuyến đường cao tốc kết nối Mộc Bài - TP.HCM , TP.HCM - Vũng Tàu… tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa các nước ASEAN đến TP.HCM , Vũng Tàu…

Với diện tích chiếm 9% và dân số chiếm 20% nhưng thời gian qua, vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp khoảng hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách nhà nước và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động của vùng những năm gần đây có xu hướng chậm lại. Một trong những nguyên nhân cơ bản là việc liên kết phát triển vùng, xây dựng không gian kinh tế chưa hiệu quả, nguồn lực bị phân tán; lợi ích của từng địa phương bó buộc theo địa giới hành chính.

Hàng loạt vấn đề mới nổi lên mà một địa phương riêng lẻ không thể tự giải quyết được hoặc tự giải quyết không hiệu quả như giao thông liên vùng, ô nhiễm môi trường,…cần có sự vào cuộc của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.

Tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn trong những năm tới

Với vai trò Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lắng nghe, nghi nhận các ý kiến tham luận, các giải pháp của các đại biểu tham gia.

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị (ảnh: VGP)

Lãnh đạo Nhà nước yêu cầu Bộ KH&ĐT, cơ quan thường trực của Hội đồng tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện kế hoạch triển khai các hoạt động của Hội đồng trong 6 tháng cuối năm 2023 và các chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng.

Thủ tướng nhấn mạnh Hội đồng cần hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức, không hành chính, phải tạo ra của cải vật chất; tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược, đồng thời tập trung xử lý 3 vấn đề lớn trong những năm tới của vùng: Ách tắc giao thông, vấn đề môi trường, vấn đề nhà ở.

Điển hình, các thành viên Hội đồng cần phát huy vai trò điều phối trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia. Các địa phương sớm hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, nhất là TP.HCM .

Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc lập quy hoạch TP.HCM và quy hoạch vùng để hình thành được sự kết nối về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, kết cấu hạ tầng tạo không gian kinh tế thống nhất giữa các địa phương trong vùng. Hội đồng chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng.

Hội đồng nghiên cứu, đề xuất về cơ chế thúc đẩy liên kết vùng (hình minh họa)

Thủ tướng ủng hộ ý tưởng nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng để có nguồn vốn bố trí riêng cho các lĩnh vực liên kết, có chính sách huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động liên kết.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng, cố gắng hoàn thành trong quý III/2023. Thủ tướng lưu ý, đầu tư công cần đúng, trúng, có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư. Huy động đa dạng các nguồn vốn như vay các quỹ đầu tư, phát hành trái phiếu…

Cùng với đó, Hội đồng cần hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố. Điển hình như các vấn đề thuộc thẩm quyền của các bộ trên địa bàn của các địa phương như đầu tư các cao tốc, quốc lộ, cầu bắc qua 2 địa phương hay giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giữa các địa phương ở đầu nguồn và hạ nguồn các lưu vực sông,…

Thủ tướng nêu rõ việc điều phối lĩnh vực đô thị, logistics, dịch vụ chất lượng cao (trung tâm tài chính, trung tâm logistics vùng), khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, là nhiệm vụ đặc trưng nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng, khác biệt so với các vùng khác.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.