22/09/2022 2:15 PM
Ngân hàng Nhà nước được giao nghiên cứu tăng lãi suất huy động linh hoạt, phù hợp, hiệu quả vào thời điểm thích hợp. Đồng thời, phấn đấu giữ ổn định hoặc giảm lãi suất cho vay để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Sáng ngày 22/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề, thảo luận về nhiều nội dung, trong đó có nội dung về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trước việc tăng lãi suất của Hoa Kỳ, các nước châu Âu và các nước khác.

Tại phiên họp, Thủ tướng đánh giá, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều nước đã thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng, hạ lãi suất, đưa tiền mặt ra hỗ trợ người dân.

Để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, các nước phải sử dụng công cụ lãi suất, thông qua tăng lãi suất để hút tiền về; đồng thời thu hẹp các chính sách tiền tệ, tài khóa.

Đêm qua, Hoa Kỳ vừa tăng lãi suất 0,75% (sau 2 lần tăng liên tiếp 0,75% trước đó) đưa lãi suất điều hành lên mức 3-3,25%. Nhiều quốc gia, đối tác lớn của Việt Nam đều tăng lãi suất.

Việc tăng lãi suất và thu hẹp các chính sách tiền tệ, tài khóa lại có nhiều tác động tiêu cực, dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, nguy cơ suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng. Đồng USD tăng giá dẫn đến sự giảm giá của các đồng tiền chủ chốt khác và tiềm ẩn rủi ro tiền tệ, tỉ giá ở nhiều quốc gia, khu vực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Tình hình thế giới biến động mạnh có tác động ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam do nền kinh tế nước ta có quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và cạnh tranh có hạn. Thực trạng này dẫn đến chỉ một biến động nhỏ của thế giới có thể gây tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội trong nước.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng lưu ý mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Đây là ưu tiên xuyên suốt, vừa trước mắt, vừa lâu dài.

Do đó, chính sách tiền tệ phải chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng.

Thủ tướng chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất huy động linh hoạt, phù hợp, hiệu quả vào thời điểm thích hợp; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giữ ổn định hoặc giảm lãi suất cho vay để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh và giảm thủ tục cho vay hỗ trợ lãi suất 2%.

Bộ Tài chính chủ trì tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất giảm thuế, phí, lệ phí theo thẩm quyền và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư chất lượng cao. Tập trung đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.