14/03/2016 9:03 PM
Ông Lê Đức Thúy cho rằng không thể đơn giản nói doanh nghiệp vẫn có thể mở rộng sản xuất kinh doanh bình thường trong năm 2016 khi ngân hàng bắt đầu chịu áp lực thanh khoản, dâng cao lãi suất huy động.

Những lo ngại về mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng trong năm 2016 một lần nữa được các chuyên gia nêu lên tại Hội thảo Tổng quan thị trường tài chính năm 2015, do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức sáng 14/3.

Dù là khách mời nhưng ông Lê Đức Thúy - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - lại có một phần chia sẻ ý kiến hơn 20 phút với rất nhiều tâm tư. Một trong những lo ngại của vị chuyên gia này là câu chuyện lãi suất đang có chiều hướng tăng từ cuối năm 2015 và lan sang đầu 2016. "Áp lực thanh khoản đang có hiện tượng tăng lên. Lãi suất đang tiếp tục tăng và theo tính toán của chúng tôi, có thể tăng 1-2% so với mặt bằng năm 2015. Như vậy không thể đơn giản nói rằng doanh nghiệp vẫn có thể mở rộng sản xuất kinh doanh một cách bình thường như năm ngoái được", ông Thúy nói.

Nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy phát biểu tại hội thảo với những trăn trở về lãi suất ngân hàng. Ảnh: Thanh Lan.

Theo ông Thúy, cần có những phân tích về việc mất cân đối giữa huy động vốn nội, ngoại tệ với cho vay hiện nay. Vị chuyên gia này cũng nói, gửi đôla vào ngân hàng lãi suất 0% mà vẫn không làm cho người dân chuyển sang VND gửi chứng tỏ chính sách này vẫn chưa giúp huy động được hiệu quả các nguồn vốn.

Không riêng ông Thúy, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước cũng nêu lên những bất cập trong việc vốn cho vay trung và dài hạn tăng nhanh, gây áp lực lên lãi suất. Tín dụng trung dài hạn năm 2015 tăng 31,1%, trong đó có nguyên nhân từ khu vực bất động sản và việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp theo Quyết định 780.

Theo ông Phước, đáng lẽ lãi suất có điều kiện để giảm thêm nữa, khi lạm phát trong năm 2015 thấp. Tuy nhiên, do việc phải điều chỉnh lại cơ cấu nguồn vốn, việc sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước có thể khiến lãi suất tăng.

Thực tế từ sau Tết Nguyên đán, mặt bằng lãi suất liên tục dâng cao do các nhà băng tăng cường huy động vốn để đón đầu Thông tư 36 sửa đổi, với quy định giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 40%. Ở kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, nhiều nhà băng vẫn áp dụng chính sách "đi đêm" lãi suất khi trả thêm khoản chênh cho khách hàng. Trong khi đó, ở kỳ hạn dài, cuộc đua cũng rất gay gắt, lãi suất trên 13 tháng vượt lên trên 8% một năm. Không chỉ vậy, nhiều ngân hàng còn sẵn sàng trả thêm lãi suất cho khách gửi đôla trong khi vẫn khẳng định "thanh khoản không căng thẳng". Do đó, theo nhiều chuyên gia, điều này là không hợp lý.

Cũng tại Hội thảo, ông Lê Đức Thúy còn mạnh dạn đặt vấn đề cần làm rõ lý do tại sao một ngân hàng lớn trong nước lại đi vay hàng trăm triệu đôla ở nước ngoài trong khi lãi suất huy động ngoại tệ trong nước chỉ 0%. Theo ông, cần có đánh giá đúng về chiều hướng của lãi suất. "Lãi suất huy động tăng lên, có thể mức lãi suất cho vay trung bình dài hạn sẽ lên 11% một năm. Mức trung bình như vậy thì chắc chắn sẽ có những khoản vay lãi suất cao hơn nhiều", ông Thúy nói.

Mặc dù vậy, trả lời báo chí gần đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định việc lãi suất huy động dâng cao chỉ xảy ra ở một số ngân hàng và chưa gây sức ép tăng lên lãi suất cho vay.

Thanh Thanh Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.