Chiều 30/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023. Vì sao việc phát triển nhà ở xã hội chưa thu hút doanh nghiệp là vấn đề được ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Xây dựng đề cập tại cuộc họp.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, hiện nay, pháp luật về nhà ở, nhất là liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, đã quy định rất rõ các hình thức đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, trong đó có nguồn lực nhà nước cũng như huy động các nguồn lực khác, các doanh nghiệp nguồn vốn khác, không hạn chế phạm vi nào.

Liên quan đến việc các doanh nghiệp chưa “mặn mà” khi đầu tư các dự án, ông Sinh cho biết, pháp luật đã quy định về việc dành quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trước đây là 20% diện tích trong các dự án nhà ở cơ bản.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. Ảnh: VGP

Hiện nay, Luật Nhà ở 2014 đã sửa đổi theo hướng sẽ giao cho UBND các địa phương dành đủ quỹ đất theo chương trình kế hoạch phát triển nhà ở, đủ quỹ đất ở các khu vực độc lập cũng như trong các dự án nhà ở thương mại nếu phù hợp với điều kiện, quy hoạch. Như vậy, quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội trong thời gian tới sẽ đầy đủ hơn và dễ tiếp cận hơn.

Về ưu đãi cho chủ đầu tư, đây là nội dung được quan tâm rất nhiều trong thời gian qua, cụ thể là ưu đãi nhiều hay ít đảm bảo cho việc thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.

Quy định hiện nay doanh nghiệp được lợi nhuận định mức 10% với toàn bộ dự án khi làm nhà ở xã hội. Đây là một trong số hỗ trợ từ chính sách, bên cạnh các cơ chế như miễn tiền sử dụng đất, thuế (thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng), ưu đãi lãi suất vay vốn.

Trong thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật nhà ở (sửa đổi), có hỗ trợ tích cực hơn như hỗ trợ miễn tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, dành 20% diện tích đất để chủ đầu tư có thể đầu tư các khu thương mại, dịch vụ, được các địa phương hỗ trợ đầu tư các hạ tầng kỹ thuật trong khu đô thị…

Trước ý kiến cho rằng nên tăng mức lãi cho doanh nghiệp từ 10% hiện nay lên 15% khi sửa luật để hấp dẫn các nhà đầu tư, Thứ trưởng Sinh cho hay, nếu nâng lợi nhuận cho doanh nghiệp sẽ khiến giá bán nhà ở xã hội tăng lên. Như vậy sẽ tạo gánh nặng, khó khăn hơn cho người thu nhập thấp - đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp cũng thấy lợi nhuận 10% là chấp nhận được. “Điều họ cần là cải cách thủ tục hành chính, địa phương chưa vào cuộc giải quyết nhanh trong xử lý các vấn đề liên quan quy hoạch, đất đai”, ông Sinh nói.

Các doanh nghiệp cũng được tiếp cận, hỗ trợ, vay lãi suất ưu đãi… Riêng với nhà ở xã hội đã có gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ để các chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 1,5-2%. Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng đó là những chính sách hết sức kịp thời.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư. Chắc chắn rằng trong giai đoạn tới nguồn cung về nhà ở xã hội sẽ tốt hơn.

Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã ký đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 với những giải pháp rất đồng bộ, sẽ đồng bộ cả về thể chế, thủ tục hành chính, nguồn vốn, đất đai. Sắp tới, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá X sẽ thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó nhóm chính sách nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực ngay. Đây là những tín hiệu cho thấy nhà ở sẽ phát triển tốt trong thời gian tới và đáp ứng được nhu cầu của người dân.

  • TP.HCM đã hoàn thành bao nhiêu căn nhà ở xã hội?

    TP.HCM đã hoàn thành bao nhiêu căn nhà ở xã hội?

    TP.HCM có 93 dự án nhà ở xã hội (NOXH) được phê duyệt trong giai đoạn 2016-2020 nhưng chỉ hoàn thành được 19 dự án, còn lại hầu hết chưa được thực hiện mà chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.